PV: Trước bối cảnh nền kinh tế suy giảm, theo ông Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nên sửa theo hướng nào, để tạo “lực đỡ” cho doanh nghiệp?
- TS. Đinh Xuân Thảo: Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay và cả nước đang quyết tâm tái cơ cấu, phát triển sản xuất, vực dậy các doanh nghiệp bên bờ phá sản thì giảm thuế TNDN là đúng đắn, đúng xu hướng. Giảm thuế TNDN nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện tích lũy tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, làm luật, đặc biệt làm Luật Thuế cũng vậy, giống như người đan cái “hom” để nơm cá. Nếu nan của “hom” đan rộng quá thì cá sẽ chui ra nhưng đan chật quá thì cá cũng không vào được, cuối cùng là không bắt được con cá nào.
Xu hướng chung trên thế giới, giữa hai loại thuế (thuế TNDN và thuế Giá trị gia tăng - VAT), thì thuế VAT đánh vào người tiêu dùng ngày càng tăng. Còn đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thì ngày càng giảm dần. Việt Nam cũng vậy, chiến lược cải cách thuế cho đến năm 2020 theo hướng ngày càng giảm dần.
Kỳ họp Quốc hội trước, mức thuế đã giảm từ 28 - 30% xuống còn 25%. Đến kỳ họp này, Chính phủ đã đề nghị giảm từ 25% xuống còn 22%, ngay cả Chủ tịch Quốc hội cũng muốn đưa xuống ngay 20%. Tuy nhiên, chúng ta phải cân đối, nếu giảm nhanh và thấp quá thì sẽ gây “sức ép” rất lớn cho ngành Tài chính và việc thu ngân sách sẽ rất khó khăn.
PV: Thời điểm cơ bản đã hợp lý, cá nhân ông có băn khoăn gì về những điều quy định trong hai dự luật (thuế TNDN và thuế VAT)?
- TS. Đinh Xuân Thảo: Theo tôi, chúng ta chỉ cần rà soát lại cho chuẩn, nhằm bảo đảm tính công bằng. Nghĩa là soát lại các “dòng” thuế, các lĩnh vực, xem xét nhóm mặt hàng nào thì tăng ít, nhóm mặt hàng nào tăng nhiều đối với thuế VAT. Còn đối với thuế TNDN, xem xét đối tượng nào được xếp vào nhóm được giảm nhiều trước, đối tượng nào được giảm nhiều sau.
Thực tế, theo như quyết toán của năm 2011, xuất khẩu tăng, thu nhiều nhưng hoàn thuế VAT vẫn nợ. Vì sao dẫn tới chuyện này? Đó là điều chúng ta cần suy xét.
Liên quan đến vấn đề hoàn thuế, trước đây do quy định khá lỏng lẻo, đã có sự lợi dụng lách luật để hoàn thuế. Cụ thể, theo quy định thuế Xuất khẩu, nếu thuộc nhóm mặt hàng chịu thuế 10%, khi hoàn thuế doanh nghiệp sẽ được lợi gấp đôi so với nhóm mặt hàng chịu thuế 5%. Cho nên một số mặt hàng trong hàng xuất khẩu, chỉ nên quy định những trường hợp 5% còn lại thì hạn chế quy định 10%.
Ngay những mặt hàng chịu thuế 5% cũng chưa hợp lý. Ví dụ như quy định những mặt hàng hóa sản xuất bằng tre, nứa nhưng trong thực tế người ta có thể sản xuất những mặt hàng không phải tre cũng không phải nứa (ví dụ cây vầu), khi đó phải nói là sản phẩm bằng tre và họ tre, như vậy mới đầy đủ. Còn nếu chỉ riêng tre, nứa thì người ta sẽ quay sang dùng vầu để xuất khẩu, cuối cùng là Nhà nước lại phải hoàn thuế 10%, mất một nửa số tiền đó.
Tuy nhiên, nếu như một sự ưu đãi của Nhà nước và với một lĩnh vực đặc biệt cần có sự thông qua Quốc hội thì trong trường hợp đó có thể chấp nhận được.
PV: Thực hiện miễn, giảm, giãn thuế TNDN sẽ tạo sức ép rất lớn cho việc thu ngân sách, theo ông mức 22% và 20% thì mức nào phù hợp hơn cả trong thời điểm này? Và có giải pháp gì để ngành Tài chính giảm bớt sức ép?
- TS. Đinh Xuân Thảo: Theo lộ trình thì sẽ giảm dần dần, vì vậy từ 25% nên giảm xuống 22%, không nên giảm ngay lập tức xuống 20%. Theo đó, ngân sách nhà nước đã khó khăn nay sẽ khó khăn hơn do bị “sức ép” rất lớn từ nguy cơ hụt thu. Ngay mức 22% cũng đã tạo sức ép lớn cho vấn đề thu ngân sách trong thời điểm hiện nay.
PV: Theo ông, để tăng cường công tác quản lý chúng ta nên tăng diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát?
- TS. Đinh Xuân Thảo: Vấn đề này cũng đã được tính đến và được bàn thảo nhiều. Sau khi có Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong các lĩnh vực cũng đã có rà soát lại để nâng các mức phạt lên. Tuy nhiên, vì quy định mỗi lĩnh vực mỗi mức phạt lại có ngưỡng nhất định.
Có những trường hợp cá nhân cố tình dây dưa nhưng cũng có trường hợp có thể có khó khăn, sơ xuất trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Hướng sắp tới là phải tăng diện thanh tra theo lộ trình. Kinh nghiệm ở nước ngoài, họ quản lý bằng hai cách, một là đầu vào và hai là đầu ra rất hiệu quả. Ví dụ như ở Nhật Bản, tất cả đầu vào, đầu ra đều được quản lý chặt chẽ, thông qua số lượng quản lý họ còn quyết định được giá của các mặt hàng.
PV: Xin cảm ơn ông!