Đừng để người nộp và cơ quan thuế đều có lỗi
Theo ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, luật sửa đổi lần này mang nhiều ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh kinh tế và đời sống người dân có nhiều khó khăn. Việc nâng mức khởi điểm chịu thuế, nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc sẽ có tác động tích cực, như đòn bẩy tài chính khuyến khích người lao động; khoan sức dân trong ngắn hạn và bồi dưỡng nguồn thu trong dài hạn.
Tuy nhiên, ông Nhã cũng đề cập tới những vấn đề sắp tới, khi ban hành các văn bản hướng dẫn, cần sửa đổi những quy định vốn khó thực hiện, phức tạp… Ví dụ quy định thực hiện khấu trừ 10% đối với các khoản chi trả từ 500 ngàn đồng trở lên (thu nhập không thường xuyên), hiện tại không kiểm soát được và nếu cứ duy trì quy định này thì khó, do người ta có nhiều cách để lách.
Một vấn đề khác là về người phụ thuộc. Chúng ta cần có cách quản lý để tránh chồng chéo, nhiều người cùng khai về một người phụ thuộc; sự biến động của người phụ thuộc… Vấn đề quyết toán thuế TNCN cũng còn ngổn ngang. Tỷ lệ được quyết toán thuế trong thời gian qua là rất nhỏ và như vậy việc thoái trả thuế cho người nộp thuế cũng sẽ khó khăn.
Trái với những băn khoăn về hụt thu ngân sách, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam dẫn chứng con số cho rằng, giảm mức nộp thuế (nâng mức khởi điểm chịu thuế) chưa hẳn đã làm giảm nguồn thu. Ngược lại, còn có thể làm tăng thu, khi người nộp thuế tự giác và việc nộp thuế trở nên đơn giản. Tuy vậy, việc thực hiện luật thuế hiện tại còn khá phức tạp, có tới 30 thông tư hướng dẫn khiến người dân khó tiếp thu...
Theo bà Cúc, cần có sự rõ ràng, minh bạch khi xác định các khoản thu nhập chịu thuế, không chịu thuế… Những khoản chi phí khó xác định, không rõ ràng, không thống nhất thì không nên đưa vào tính thuế. Ví dụ các khoản lợi ích vật chất (xe đưa đón, tiền thuê nhà ở, tiền cung cấp báo chí…) nếu đưa tất cả vào, rất khó quản lý thu đầy đủ. Và như vậy, vô hình chung, chúng ta làm cho cả cơ quan thuế (bỏ sót nguồn thu) và người nộp thuế (không nộp đầy đủ) đều có lỗi. Do vậy, những văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này chỉ nên liệt kê những hình thức có thể thu; không nên sợ bỏ sót mà ghi tất cả các khoản lợi ích vật chất khác…
Các biện pháp quản lý thuế cần rõ ràng hơn, đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, tránh lạm thu và đặc biệt là cần hoàn thuế kịp thời, tránh chiếm dụng tiền của người nộp thuế. Hiện thuế TNCN từ tiền lương, tiền công được kê khai tạm nộp theo tháng, quyết toán theo năm. Nhưng việc hoàn thuế được thực hiện vào cuối quý I năm sau, dẫn đến việc tiền của người nộp thuế bị chiếm dụng, gây phản ứng tiêu cực. Về vấn đề này, hiện TP. Hồ Chí Minh có sáng kiến “tuần lễ quyết toán thuế TNCN”- 15 công ty đại lý thuế thực hiện quyết toán miễn phí cho người nộp thuế…
Bà Cúc cũng dẫn chứng cho việc ngại nộp thuế của một số người do thủ tục phức tạp và đề nghị: Trường hợp cá nhân tự nộp thuế, quyết toán thuế cần đơn giản thủ tục nộp, quyết toán, hoàn thuế. Có thể nộp thuế bằng thẻ ATM và cơ quan thuế hoàn thuế vào tài khoản cá nhân của họ…
Cấp mã số cho người phụ thuộc
Ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, trong phần soạn thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung luật, nghị định sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung bất cập, bảo đảm tính minh bạch, tính thống nhất…
Ngoài các loại bảo hiểm bắt buộc (không thuộc diện chịu thuế), nhiều doanh nghiệp còn mua cho người lao động các loại bảo hiểm khác như: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Do đặc thù của loại hình bảo hiểm này, thời điểm mua, người lao động chưa nhận được lợi ích từ khoản này. Vì vậy, nghị định sẽ được xây dựng theo hướng: Cá nhân chưa phải nộp thuế TNCN ngay tại thời điểm doanh nghiệp mua bảo hiểm. Khi cá nhân nhận được tiền tích lũy từ công ty bảo hiểm mới phải nộp. Công ty bảo hiểm trích nộp tại nguồn 10% (như đối với thu nhập vãng lai).
Các trường hợp người phụ thuộc trước đây chưa quy định: Con nuôi, con riêng, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế mà người nộp thuế phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng nên có nhiều phát sinh vướng mắc. Dự thảo nghị định lần này cũng đã đưa các đối tượng này vào diện người phụ thuộc, nếu đảm bảo các điều kiện.
Cũng theo ông Phụng, để tránh những chồng chéo khi kê khai người phụ thuộc, dự kiến sẽ bổ sung quy định cấp mã số cho người phụ thuộc để kiểm soát, theo dõi và chống lạm dụng tránh thuế.
Thuế TNCN qua 4 năm thực hiện
- Năm 2009 đạt 3,4% tổng số thu NSNN, tăng trưởng 10% (so với thực hiện năm trước)
- Năm 2010 đạt 6,1% tổng thu nội địa, khoảng 4,7% tổng thu NSNN, tăng trưởng 83,6%.
- Năm 2011 đạt 7,1% số thu nội địa, khoảng 5,5% tổng thu NSNN, tăng trưởng 41,38%.
- Năm 2012 tăng trưởng 16,7%.
Với mức điều chỉnh giảm theo Luật thuế TNCN sửa đổi và dự kiến khi luật có hiệu lực 1/7/2013, dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng
|