PV: Nhằm tháo gỡ khó khăn và góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN và cá nhân, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp. Xin bà một vài nhận định về tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ DN thời gian qua?
Bà Phạm Thị Tường Vân: Để tháo gỡ, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, chống suy giảm kinh tế, gắn với thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng trên 6%, Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp tài chính. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các giải pháp về thuế; tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; về vốn tín dụng, chi tiêu công nhằm tháo gỡ hàng tồn kho cho DN, giải quyết nợ xấu.
Có thể khẳng định rằng, các thông tư hướng dẫn nghị định được ban hành hướng dẫn chi tiết cho các đối tượng trong các nghị quyết, góp phần đưa chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ đến với DN, tích cực hỗ trợ DN vượt khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đã tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai nộp thuế, hoàn thuế, rà soát đối tượng DN đăng ký kinh doanh, phát hiện kịp thời những trường hợp không đăng ký thuế để đưa vào diện quản lý; tổ chức thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế và thu ngân sách năm 2012 được gia hạn sang năm 2013.
Ngoài ra, tổ chức quản lý, điều hành giữ ổn định giá một số mặt hàng thiết yếu như giá điện, giá than… Đối với giá xăng dầu, để giữ ổn định giá trong nước, liên Bộ Tài chính – Công thương đã nhiều lần điều hành thông qua biện pháp cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng hoặc tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu… Nhờ các biện pháp trên, góp phần đưa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong quý I/2013 tăng thấp hơn cùng kỳ so với những năm gần đây…
PV: Việc thực hiện các giải pháp này đã góp phần tích cực hỗ trợ cho DN. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo bà, đó là những thách thức nào?
Bà Phạm Thị Tường Vân: Trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với một loạt khó khăn như sức mua thị trường giảm, lượng hàng hóa tồn kho còn lớn, đặc biệt là tồn kho trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng.
Tình trạng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản không chỉ gây khó khăn cho các DN kinh doanh bất động sản, mà còn gây đình trệ sản xuất cho các DN sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, sản xuất, kinh doanh hàng trang trí nội thất.
Tình hình tồn kho vật liệu xây dựng còn lớn. Một số DN phải hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất của các nhà máy. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết đi vào cuộc sống còn chậm nên chưa hỗ trợ DN kịp thời.
PV: Để vượt qua thách thức cần có những giải pháp gì, thưa bà?
Bà Phạm Thị Tường Vân: Thời gian tới, cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo hướng tập trung nhiều hơn vào các giải pháp kích cầu tiêu dùng để giảm hàng tồn kho, các giải pháp để thanh toán các khoản nợ xây dựng cơ bản, giảm nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, giúp khơi thông dòng vốn cho đầu tư.
Đối với việc triển khai xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn cần nhanh chóng và kịp thời hơn hoặc xây dựng các nghị định chi tiết, cụ thể hơn để giảm bớt số lượng các văn bản quy định, nhằm đưa những hỗ trợ của Nhà nước có thể kịp thời đến với DN.
Về thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cần đẩy nhanh lộ trình áp dụng thuế suất 20% so với lộ trình thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN đối với DN có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) và thuế suất 10% đối với thu nhập từ đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để giải quyết hàng tồn kho bất động sản.
Xem xét các mức giảm thuế Giá trị gia tăng đầu ra cho từng loại mặt hàng cụ thể, trên cơ sở mức độ tồn kho lớn của từng mặt hàng và mức độ thiết yếu cũng như tính lan tỏa đối với các mặt hàng khác, nhằm giảm gánh nặng hàng tồn kho, tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn lực để sản xuất kinh doanh. Bên cạnh các biện pháp giãn, gia hạn thuế đang áp dụng, có thể xây dựng cơ chế khuyến khích thông qua thưởng cho người nộp thuế đúng thời hạn mà không gia hạn thời hạn nộp thuế nhằm hạn chế rủi ro và đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực tài chính cho các quỹ, đặc biệt là Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương; nhanh chóng hoàn thiện văn bản pháp luật để quỹ này hoạt động có hiệu quả…
PV: Xin cảm ơn bà!