Tính toán các phương án
Trong phương án 1, Bộ Tài chính tính toán ở các chỉ tiêu như nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài so với GDP, trả nợ Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu NSNN, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài so với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đều ở mức hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, chỉ số nợ công và nợ quốc gia hàng năm chỉ dưới 50% GDP, đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia, các chỉ tiêu về nghĩa vụ trả nợ nằm trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho mục tiêu kinh tế xã hội, đơn cử là chương trình giao thông - thủy lợi giai đoạn sau năm 2015; bổ sung vốn vay cho đề án xây dựng kết cấu hạ tầng 2011 - 2020; dự án đường sắt cao tốc, đường bộ Bắc Nam.
Thông lệ quốc tế đối với chỉ tiêu trả nợ Chính phủ so với thu NSNN dưới 35% được coi là an toàn. Theo công bố của Bộ Tài chính, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu NSNN hàng năm từ 14% đến 16%. Con số này trong năm 2011 là 15,6%, đã thấp hơn so với năm trước đó là 17,6%.
Để giải quyết nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, phương án 2 được Bộ Tài chính nêu ra là tăng vay của Chính phủ. Mặc dù vậy, sức ép trả nợ từ NSNN là rất lớn. Nếu tính tất cả các khoản chi vay về cho vay lại của Chính phủ sẽ chiếm tới 31%, vượt mức an toàn theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.
Theo phân tích của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), nếu lựa chọn phương án này, cần điều chỉnh và cơ cấu lại danh mục các dự án sử dụng vốn vay cũng như chủ động lựa chọn có hiệu quả danh mục vay mới để có kế hoạch phân kỳ đầu tư hợp lý, giãn tiến độ đối với danh mục chưa thực sự cấp bách sang giai đoạn sau năm 2015, phù hợp với các chỉ số an toàn nợ trong các thời kỳ.
Phương án 3 được điều chỉnh từ hai phương án trên với kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn (dự báo khoảng 5 - 6%). Trong trường hợp này sẽ tác động lớn đến các chỉ số nợ, khả năng trả nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Vì vậy, cần có chính sách chủ động, linh hoạt, có biện pháp giảm mức vay phù hợp để đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia.
Đâu là sự lựa chọn?
Phương án tối ưu được Bộ Tài chính cho là khả quan nhất trong bối cảnh hiện nay đó là phương án 1, có sự điều chỉnh mức tối đa ngưỡng an toàn khi thực hiện sẽ cố gắng duy trì các chỉ số ở mức không vượt quá ngưỡng cho phép. Hạn mức nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia đảm bảo thực hiện được cả nhu cầu vốn phát hành trái phiếu chính phủ cho các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục…, giai đoạn 2011 - 2015 đối với phần vốn còn thiếu chưa đáp ứng được, giãn tiến độ sang thực hiện sau năm 2015 và sử dụng một phần vốn vay công (tối đa 20% nhu cầu) cho đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2011 - 2015.
Trong trường hợp tiếp tục duy trì tỷ lệ khống chế mức dư nợ của Chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia dưới 50% GDP theo như quy định áp dụng cho thời kỳ 10 năm trước đó (2001 - 2010), Bộ Tài chính đề xuất, sẽ phải tiến hành giảm ngay việc vay mới, bố trí tăng chi trả nợ hàng năm để giảm mức dư nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia. Như vậy, dư địa về huy động vốn vay bổ sung cho đầu tư phát triển sẽ không còn và sẽ phải huy động từ các nguồn vốn tự có khác thay thế.
Chỉ tiêu an toàn nợ công theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài giai đoạn 2011 - 2020 (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đã nêu rõ: Đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Những năm tới, do nhu cầu đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư cho cơ sở hạ tầng tiếp tục tăng lên, nợ công dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhưng mức tăng này đã được dự báo và được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 10/2011 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, theo đó dư nợ công tới năm 2015 không quá 65% GDP.