Trong bối cảnh một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình, giải pháp nào để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát như đã đặt ra?
Hai yếu tố tác động
Theo Bộ Tài chính, từ nay đến cuối năm bên cạnh những yếu tố tác động như giá xăng dầu thế giới còn diễn biến phức tạp, bão lũ, dịch bệnh… có thể xảy ra, có 2 yếu tố mang tính chủ quan có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát chung.
Thứ nhất, 8 tỉnh, thành phố dự kiến sẽ còn tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh (viện phí), trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thứ hai, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có khả năng sẽ tăng giá dịch vụ giáo dục (học phí) phổ thông, mầm non năm học 2013 - 2014 theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2013 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, cần có sự chỉ đạo điều hành thống nhất về thời điểm, mức độ điều chỉnh nhằm giảm thiểu tác động đến CPI chung.
Giải pháp nào?
Để bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết đang tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá cho những tháng còn lại của năm 2013 theo hướng: Triển khai đồng bộ các nội dung của luật Giá, điều hành giá nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp qua giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp, với liều lượng hợp lý phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ này… đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiệc các chính sách an sinh, xã hội.
Cụ thể về điều hành giá xăng dầu, bám sát theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản của Chính phủ sửa đổi bổ sung trong năm 2013. Kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế, trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá.
Bên cạnh đó, chú trọng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không được để thiếu nguồn, cũng như không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước. Thực hiện tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện giãn tần suất và biên độ tăng giá khi giá thế giới tăng.
Giá điện, việc điều chỉnh giá được thực hiện theo từng bước có lộ trình với nguyên tắc có kiềm chế, có tính đến điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm điều chỉnh và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội.
Giá than cho điện, căn cứ vào các điều kiện kinh tế xã hội cụ thể, trên cơ sở báo cáo chi tiết của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam về kết quả kiểm toán giá thành than năm 2011, năm 2012, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương tính toán và báo cáo Thủ tướng Chính phủ giá than bán cho sản xuất điện cụ thể; hướng đến mục tiêu giá than bán cho điện bù đắp được giá thành toàn bộ như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.
Tăng cường thanh, kiểm tra giá
Song song với các giải pháp đó, Cục Quản lý giá cho biết sẽ chủ động tăng cường quản lý giá thông qua các biện pháp như đăng ký giá, kê khai giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá…đối với một số hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá.
Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, chi từ nguồn ngân sách nhà nước thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, hàng hóa dự trữ nhà nước, hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá… Chuyển mạnh hơn nữa sang cơ chế đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ này.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các yếu tố ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa để kịp thời đề xuất các biện pháp điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho đời sống, an sinh xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, tăng cường kiểm soát cung - cầu các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.../.