Bộ Tài chính đang soạn thảo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trình Chính phủ đệ trình UBTVQH ban hành, thay thế Nghị quyết số 928, với Biểu Thuế mức thuế suất Thuế Tài nguyên mới, phù hợp hơn...
Tàn phá, lãng phí tài nguyên khoáng sản kim loại
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, khoáng sản kim loại là loại tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn, cần phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Trong những năm qua, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản kim loại tăng mạnh. Số doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động khai khoáng đã tăng liên tục, từ 427 DN vào năm 2000 lên gần 2.000 DN vào năm 2012, kèm theo đó là hơn 4.200 giấy phép khai khoáng các loại được cấp ở 63 tỉnh, thành.
Sự phát triển chóng mặt của ngành công nghiệp khai khoáng và hậu quả tất yếu là mức tổn thất về tài nguyên và sự tàn phá môi trường cũng không hề nhỏ, trong đó có hoạt động khai thác sắt, titan, vàng... Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản kim loại thời gian qua làm cho tài nguyên bị cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường khu vực khai thác.
Điều này cho thấy, cần thiết phải rà soát điều chỉnh lại mức thuế suất đối với một số loại tài nguyên, để thực hiện mục tiêu không khuyến khích việc khai thác tài nguyên không tái tạo có giá trị kinh tế lớn; bảo vệ nguồn tài nguyên để phục vụ sản xuất trong nước; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.
Khoáng sản không kim loại - khó sử dụng hiệu quả
Đối với khoáng sản không kim loại là loại tài nguyên không tái tạo được, có một số loại tài nguyên quý hiếm hiện đang quy định mức thuế suất cao (như kim cương, ru bi, saphia...). Một số tài nguyên có giá trị không lớn và là đầu vào của các ngành sản xuất (như đất khai thác để san lấp, đá, sỏi, apatit...) hiện đang quy định mức thuế suất thấp.
Trong quá trình thực hiện cho thấy, một số sản phẩm đã được cải tiến, thay thế như gạch làm từ đất sét nung (được thay thế bằng gạch không nung theo định hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng không nung của Chính phủ). Do đó, để khuyến khích việc sử dụng gạch không nung thay cho gạch từ đất sét nung, cần thiết phải điều chỉnh tăng mức Thuế suất thuế Tài nguyên đối với đất làm gạch.
Việc quy định mức thuế suất khác nhau theo mục đích sử dụng đối với cát và cát làm thủy tinh, đá và đá nung vôi dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì vậy, cần điều chỉnh mức thuế suất Thuế Tài nguyên đối với cát, đá cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Tài nguyên nước - cần được minh bạch
Theo Luật thuế Tài nguyên, nhóm nước thiên nhiên được chia thành 3 nhóm là: Nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp, khung thuế suất 8 - 10% (thuế suất hiện hành là 8%); nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện, khung thuế suất 2 - 5% (thuế suất hiện hành là 2%); nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh, khung thuế suất 1 - 3% (sử dụng nước mặt), 3 - 8% (sử dụng nước dưới đất).
Theo Nghị quyết 928, nhóm nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh được chia thành 4 nhóm nhỏ theo mục đích sử dụng, gồm: Dùng làm nguyên liệu chính hoặc phụ tạo thành yếu tố vật chất trong sản xuất sản phẩm (thuế suất 3% nếu sử dụng nước mặt, 5% nếu sử dụng nước dưới đất); dùng để vệ sinh công nghiệp, làm mát, tạo hơi, sản xuất nước sạch (thuế suất 1% nếu sử dụng nước mặt, 3% nếu sử dụng nước dưới đất); dùng cho hoạt động dịch vụ, sản xuất công nghiệp, xây dựng, khai khoáng (thuế suất 3% nếu sử dụng nước mặt, 6% nếu sử dụng nước dưới đất); dùng cho mục đích khác (thuế suất 1% nếu sử dụng nước mặt, 3% nếu sử dụng nước dưới đất).
Theo các chuyên gia Bộ Tài chính, việc chia thành 4 nhóm nhỏ theo mục đích sử dụng là căn cứ vào mức độ sử dụng tài nguyên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc xác định khối lượng nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh theo các mục đích sử dụng để tính thuế tài nguyên là khó có căn cứ xác định và trong một số trường hợp là không thể xác định được; gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc kê khai, nộp thuế cũng như việc kiểm tra kiểm soát của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác.
Chính vì vậy, để danh mục nhóm nước thiên nhiên dùng cho sản xuất, kinh doanh trong Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên đơn giản, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc kê khai thuế, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với danh mục nhóm, loại tài nguyên và trong phạm vi khung thuế suất do Quốc hội quy định, cần hạn chế việc quy định mức thuế suất khác nhau theo mục đích sử dụng đối với cùng một loại tài nguyên.