Năng lực cạnh tranh yếu kém
Theo TS. Lê Đăng Doanh, chỉ các DN có chiến lược phát triển dài hạn, không chạy theo cám dỗ ngắn hạn như bất động sản, có chế độ quản trị chuyên nghiệp, chú ý đến khoa học – công nghệ, phát triển nguồn nhân lực mới có được năng lực cạnh tranh thực sự trong nước và trên thị trường quốc tế. Song, con số này còn quá ít và quá nhỏ bé.
Nguyên nhân là, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam “bơm” tín dụng quá mạnh, có năm tăng 52% khiến DN “bơi” trong biển tiền. Chính điều này tạo động lực hoàn toàn sai lầm là hướng DN vào kinh doanh bất động sản, chứng khoán, kinh doanh theo kiểu “thân hữu”, “quan hệ”. Có những người chỉ sau một đêm đã trở thành tỷ phú vì có mảnh đất được nằm ở “vị trí vàng”. Nhiều DN giàu nhanh dựa vào phá rừng, tàn phá tài nguyên, sở hữu bất động sản, trốn lậu thuế nên không có năng lực cạnh tranh.
“Việt Nam có nhiều tỷ phú, thậm chí có cả tỷ phú đô la nhưng không tạo được sản phẩm cạnh tranh nào mà chỉ có bất động sản”, ông Doanh nhấn mạnh. Theo vị chuyên gia này, song song với Luật DN, phải có Luật Kiểm soát độc quyền, sửa Luật Thuế, Luật Đất đai… để thay đổi động lực phát triển của DN, tạo chế tài để DN phấn đấu nâng cao năng suất lao động, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, làm giàu chính đáng.
Lo lắng của TS. Lê Đăng Doanh hoàn toàn có cơ sở. Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2012 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố ngày 18/4/2013 cho thấy, DN Việt Nam đang có xu hướng nhỏ đi và “tiếp tục thiếu hụt DN quy mô vừa, đủ sức đóng vai trò là cầu nối tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu”.
10 năm vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của số DN đăng ký kinh doanh với 700.000 đơn vị, nhưng đến đầu năm 2013, số DN còn hoạt động chỉ đạt hơn 300.000. Xét về quy mô lao động trong các DN hiện nay chỉ bằng một nửa so với 10 năm trước, trong đó quy mô về vốn tăng lên 2 lần nhưng tính trượt giá thì gần như không có sự thay đổi. Cũng trong 10 năm qua, quy mô lao động của DN đã giảm từ 74 lao động xuống 34 lao động. Trái lại, quy mô về vốn tăng từ 23 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng nhưng trong ngành thâm dụng vốn cao nhất là tài chính tín dụng lại diễn ra tình trạng sở hữu chéo dẫn đến tình trạng vốn danh nghĩa tăng gấp 5 lần nhưng vốn thực tế không tăng cao.
Khả năng tài chính còn nhiều vấn đề
Bên cạnh năng lực cạnh tranh của DN, một vấn đề được VCCI báo động là khả năng thanh toán của DN đang kém đi khi chỉ số thanh toán hiện tại và chỉ số thanh toán nhanh đều giảm. Khả năng trả lãi vay ngân hàng cũng liên tục xấu đi. Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn của DN ngày càng kém đi và các DN hoạt động ngày càng dựa nhiều vào nguồn vốn vay.
Chế biến thủy sản có lẽ là một trường hợp khá điển hình. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, mặc dù ngành này luôn nằm trong tốp 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, có mặt ở các thị trường nổi tiếng khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… đã chứng tỏ khả năng tiếp cận thị trường khá tốt của DN, nhưng chỉ số thanh toán nhanh của DN chế biến thủy sản lại đứng thấp nhất trong 6 ngành được nghiên cứu, chỉ đạt 2,5 lần trong năm 2011.
Chỉ số thanh toán hiện tại của ngành này cũng đứng cuối bảng, đã giảm 1,3%/năm trong giai đoạn 2007 – 2011, hiện chỉ còn 3,5 lần. Đáng chú ý, chỉ số thanh toán hiện tại của các DN có quy mô trên 200 lao động, chiếm 22% tổng số DN trong ngành này, đều thấp dưới 1,5 lần trong giai đoạn 2007 – 2011. “Điều này cho thấy, khả năng thanh toán của các DN trong ngành có vấn đề và những sự việc diễn ra trong năm 2012 đã chứng tỏ hậu quả của việc không đảm bảo chỉ số thanh toán của các DN trong ngành Thủy sản”, bà Hằng phân tích.
Cũng liên quan đến chỉ số khác được sử dụng để đánh giá năng lực tài chính của DN, Báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2012 cũng cho thấy, chỉ số khả năng trả lãi vay trong các ngành đều suy giảm trong giai đoạn 2009 - 2011, báo động tình trạng chi trả các khoản lãi vay của các DN trong các ngành nghiên cứu ngày càng kém đi. Trong đó, sụt giảm mạnh nhất là sản xuất đồ uống, quảng cáo và giới thiệu xúc tiến thương mại, giảm từ khoảng 9 lần năm 2010 xuống còn 2 - 4 lần vào năm 2011.
Có lẽ một phần do tình trạng làm ăn “bết bát”, nên số liệu của báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ DN thua lỗ trong giai đoạn 2002 - 2011 vẫn rất cao, lên đến 41,7% vào năm 2011. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của các DN đã giảm từ 6,4% năm 2002 xuống còn 3,6% năm 2010 là dấu hiệu báo động của các doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý là trong đó, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn có ROA cao nhất, luôn đạt trên 10% là trái ngược với tỷ lệ doanh nghiệp FDI thua lỗ cao nhất.