Những quy định mới “mở” hơn
Theo các chuyên gia kinh tế, những nội dung mới về cơ chế mang tính đột phá để thu hút khu vực tư nhân (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) tham gia vào quá trình phát triển hạ tầng giao thông chính là điểm nổi bật của nghị định.
Các quy định mới giao trách nhiệm bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng cho nhà thầu xây dựng công trình, nhằm nâng cao chất lượng công trình, giảm chi phí bảo trì công trình đường bộ. Thực hiện đổi mới hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông theo chất lượng thực hiện (khoán đầu ra).
Cơ chế này một mặt giảm bớt khối lượng công việc thanh quyết toán; mặt khác phát huy tính chủ động sáng tạo của người thực hiện bảo trì, trong việc bảo đảm tình trạng kỹ thuật của kết cấu hạ tầng giao thông.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 với hệ thống giao thông đường bộ là xây dựng 24 tuyến, đoạn tuyến cao tốc (kể cả đường vành đai đô thị) với tổng chiều dài khoảng 2.381km; hoàn thành xây dựng các cầu lớn thay thế 100% cầu yếu trên quốc lộ, đảm bảo 100% đường tỉnh được rải nhựa hoặc bê tông xi măng hóa, xóa 100% cầu khỉ...
Để đạt được mục tiêu này đòi hòi phải có nguồn vốn rất lớn (khoảng 130 nghìn tỷ đồng/năm), trong khi khả năng đáp ứng của ngân sách, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ... chỉ đáp ứng được 1/3 số vốn này. Nghị định quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu HTGTĐB ra đời sẽ giảm bớt gánh nặng ngân sách cho nhà nước khi có sự vào cuộc của người dân.
Ngoài ra, NĐ10 cũng quy định việc bán quyền thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đối với những công trình có khả năng và điều kiện thu thuận lợi. Theo đó người mua được quyền thu phí phải chịu trách nhiệm bảo trì, sửa chữa công trình trong suốt thời hạn được phép thực hiện thu phí sử dụng đường bộ.
Một điểm mới nữa đó là việc cho tư nhân thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông; việc bảo trì công trình trong thời hạn thuê sẽ do người thuê thực hiện.
Bên cạnh đó là quy định việc chuyển nhượng có thời hạn kết cấu HTGTĐB (quy định này áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo mở rộng theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chi tiết).
Theo cơ chế hiện nay, Nhà nước là người phải trực tiếp đầu tư vốn và quản lý quá trình xây dựng. Tuy nhiên, theo quy định mới Nhà nước sẽ chuyển nhượng có thời hạn dự án cho khu vực tư nhân, để người mua (nhà đầu tư tư nhân) trực tiếp đầu tư vốn xây dựng, quản lý việc xây dựng và được quyền tự do kinh doanh công trình trong thời hạn mua theo cơ chế thị trường và trả lại công trình cho Nhà nước khi hết thời hạn mua.
Cuối cùng, NĐ10 cũng quy định việc mở rộng phạm vi thu hồi đất đối với các dự án cải tạo mở rộng hoặc đầu tư xây dựng mới các tuyến đường đô thị, tạo quỹ đất sạch ở 2 bên đường để đấu giá thu tiền sử dụng đất sau khi xây dựng xong tuyến đường. Cơ chế này một mặt tái tạo được nguồn vốn đã đầu tư xây dựng đường, để có nguồn tiếp tục phát triển thêm những công trình mới. Mặt khác sẽ góp phần thúc đẩy bộ mặt đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Xóa tan tư tưởng cũ
Theo các chuyên gia kinh tế, NĐ10 quy định việc quản lý, khai thác và sử dụng tài sản kết cấu HTGTĐB ra đời đã xóa tan tư tưởng vốn đã cố hữu từ rất lâu trong xã hội đó là: Việc xây dựng đường xá là của Nhà nước, người dân chỉ biết đi mà không hề nghĩ mình cũng là một thành tố trong việc giữ gìn, bảo vệ và cải thiện con đường.
Hơn nữa, việc bảo trì hiện nay đang khuyến khích đơn vị bảo trì chờ cho đường hỏng nhiều mới sửa (vì lúc này mới có khối lượng công trình để báo cáo và giải ngân). Đây thực sự là một tư duy hết sức tiêu cực và NĐ10 được kỳ vọng sẽ thay đổi tư duy này và việc sử dụng đường xá cũng sẽ được quy định như sử dụng một loại tài sản công để tránh gây lãng phí cho xã hội.
Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực để xây dựng đường xá vốn vẫn tập trung vào việc đi vay mà chưa chú trọng vào việc khai thác nguồn lực tài chính nội tại cũng được xóa bỏ thay vào đó là cơ chế “đường tự nuôi đường” đã đảm bảo tính công bằng và giúp Nhà nước có điều kiện tái tạo nguồn vốn đã đầu tư để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng mới.