Thời gian vừa qua, tình hình trợ giá xe buýt tại các địa phương có tình trạng không thống nhất, mỗi địa phương xây dựng một đơn giá khác nhau và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng chưa có một văn bản hướng dẫn nào cho việc xây dựng đơn giá trợ giá xe buýt. Cách xây dựng định mức đơn giá chi phí cho xe buýt được trợ giá ở các địa phương đều được cho là rất phức tạp.
Có nhiều loại xe buýt khác nhau nên được tính trên cơ sở chênh lệch giữa chi phí của các tuyến xe buýt và tiền vé, tiền dịch vụ có thu từ các nguồn khác. Chi phí nhiên liệu trong vận tải bằng xe ô tô luôn chiếm tỷ lệ cao trong giá thành vận tải (khoảng từ 40 - 60%) và xác định giá cước vận tải.
Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào trợ giá xe buýt đang là gánh nặng cho các địa phương, nhất là các thành phố lớn.
Số liệu thanh tra năm 2012 tại một địa phương trên địa bàn khu vực Nam Bộ cho thấy, trên địa bàn tỉnh này hiện nay có 30 khu công nghiệp, 10 trường đại học và cao đẳng nên nhu cầu đi lại bằng xe buýt là rất cao.
Đoàn Thanh tra của Bộ đã tiến hành thanh tra tại Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng là đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải, đã phát hiện được tiền trợ giá năm 2011 cao hơn thực tế sử dụng nhiên liệu (nhớt) lên đến hàng trăm triệu đồng.
Như vậy, các công ty vận tải hành khách xe buýt được trợ giá và xe đưa rước công nhân (ĐRCN) tại tỉnh đang có lãi mặc dù giá xăng dầu đã tăng nhiều đợt, vậy nguyên nhân của sự việc này do đâu?
Theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá và Nghị định số 75 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá, UBND tỉnh này (?) đã ban hành định mức đơn giá, chi phí xe ca vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe ĐRCN miễn phí trên địa bàn tỉnh.
Quyết định này là nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp vận tải làm lãi từ nguồn ngân sách nhà nước từ tiền trợ giá.
Nguyên tắc tính trợ giá được áp dụng như sau: Kinh phí trợ giá năm 2011 = Tổng chi phí các chuyến xe (đã có lợi nhuận) – Tổng doanh thực tế.
Trong thời gian qua, theo giới thông tin truyền thông đã phản ánh mỗi địa phương đều tự loay hoay bằng cách tăng giá vé (Hà Nội), hoặc đổ thêm tiền (TP.Hồ Chí Minh), hoặc không cho xe buýt vận hành (Đà Nẵng), hoặc có lãi nhờ nguồn ngân sách (Đồng Nai)….
Trong khi đó, phát triển giao thông công cộng đang là bài toán chống ách tắc của hầu hết các đô thị trên cả nước. Xe buýt cũng đã góp phần lớn vào giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, tạo dựng hình ảnh đô thị văn minh hiện đại. Bộ Giao thông Vận tải cần khẩn trương nghiên cứu và ban hành văn bản này.
Bên cạnh đó là nguyên nhân trông chờ bao cấp, dựa vào ngân sách nhà nước. Dù Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, có con dấu riêng, có bảng cân đối tài khoản và được trực tiếp kinh doanh từ dịch vụ tại bến xe ô tô (dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô; dịch vụ cho thuê nơi đỗ xe ô tô qua đêm, dịch vụ cho thuê mặt bằng kinh doanh trong bến xe, dịch vụ khác tại bến xe), quảng cáo tại các bến, bãi, quảng cáo trên các tuyến xe buýt… nhưng phần có thu khai thác từ các dịch vụ này còn rất hạn chế.
Trong khi đó, lãnh đạo của sở giao thông vận tải lại chưa tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động thường kỳ của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Theo thống kê mới nhất, 60% số xe buýt được trợ giá. Hiện tại thị trường Hà Nội, số tiền quảng cáo thu được của 1 xe buýt/năm vào khoảng 3.000 USD. Trong khi đó, thị trường TP. Hồ Chí Minh số lượng xe buýt lên đến 3.200 xe, có khả năng thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
|