Nông dân thiệt đơn thiệt kép
Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (2011) và Tổ chức Oxfam (2012) (Tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn) cho thấy, thu nhập của người trồng lúa rất thấp. Số liệu ước tính thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng có lợi thế sản xuất lúa tốt nhất cả nước cũng mới chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng. Đặc biệt, người nông dân không được hưởng lợi nhiều khi giá lúa tăng.
Tiến sỹ Trần Công Thắng - Trưởng bộ môn nghiên cứu chiến lược chính sách - Viện IPSARD cho biết, “Phân tích chuỗi giá trị gạo xuất khẩu (XK) cho thấy, nông dân thường chỉ nhận được khoảng chưa tới 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị, phần còn lại do các trung gian và doanh nghiệp (DN) XK được hưởng. Mức lợi nhuận này là không hợp lý đối với người trồng lúa khi họ phải bỏ ra 60 -70% tổng chi phí sản xuất lúa. Chưa kể những rủi ro khác từ thời tiết, thiên tai, dịch hại…”.
Bàn về chủ đề ai là đối tượng được hưởng lợi khi giá gạo tăng, ông Nguyễn Đình Bích - Phó trưởng Ban Nghiên cứu chiến lược phát triển thương mại - Viện phát triển thương mại đánh giá, sự lệch pha giữa sản xuất lúa và XK gạo khiến cho người nông dân chưa được hưởng đúng mức lợi nhuận. Ông Bích cho rằng, đối tượng được hưởng lợi khi giá gạo xuất khẩu tăng dường như còn tồn tại quá nhiều vấn đề, đặc biệt cần xem xét lại yếu tố thực tiễn của Nghị định 109 với những quy định về xuất khẩu gạo. Đề cập đến chính sách XK, ông Bích cũng nhấn mạnh, giá lúa định hướng không đảm bảo lợi ích của nông dân.
Lý giải điều này, ông Bùi Xuân Trình - Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, giá lúa định hướng ấn định dựa trên chi phí sản xuất do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành, và công bố ngay từ đầu vụ đối với từng vụ sản xuất trong năm. Khi giá lúa thấp hơn định hướng, Bộ Nông nghiệp sẽ chịu trách nhiệm cùng phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề xuất Thủ tướng đưa ra các giải pháp cụ thể nâng giá thị trường không thấp hơn giá lúa định hướng đồng thời đảm bảo xuất khẩu gạo đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, giá định hướng quy định cho DN, nhưng DN thường không thu mua trực tiếp từ nông dân mà mua qua thương lái. Đó là lý do lý giải các DN xuất khẩu không quan tâm đến giá của nông dân. Qua điều tra thực địa trong năm 2012 cho thấy, chỉ 30% lúa các DN xuất khẩu gạo ở An Giang thu mua trực tiếp từ người trồng lúa.
Giải bài toán về chính sách
Thực tế đã cho thấy, khi giá gạo trên thị trường thế giới giảm sẽ kéo giá bán lúa của nông dân xuống thấp. Trong trường hợp đó, lợi nhuận từ trồng lúa đã thấp lại càng thấp hơn. Tuy nhiên, khi giá gạo trên thị trường lên cao thì người trồng lúa cũng chỉ được lợi rất ít.
Tiến sỹ Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện IPSARD nhấn mạnh, thời gian qua Nhà nước tập trung khá nhiều ưu tiên cho sản xuất lúa và hỗ trợ nông dân trồng lúa. “Tuy nhiên, chính sách lúa gạo vẫn tồn tại một số vấn đề cần xem xét, đặc biệt là những chính sách can thiệp đến xuất khẩu và điều tiết thị trường. Các chính sách này chưa tập trung tăng hiệu quả xuất khẩu của ngành mà mới chú trọng đảm bảo an ninh lương thực, ổn định thị trường. Mặt khác, nông dân chưa phải là đối tượng chính của một số chính sách…”.
Vì vậy, để nông dân thực sự được hưởng lợi cao khi giá gạo tăng, cần khuyến khích tập trung những chính sách hỗ trợ cho mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, giảm khâu trung gian, tăng thu nhập cho hộ trồng lúa.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, giá gạo trên thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng đến lợi ích DN và người nông dân Việt Nam. Để tháo gỡ những khó khăn trong XK gạo, đảm bảo lợi ích cho người nông dân, các chuyên gia đề ra những giải pháp như: Từng bước hỗ trợ các DN XK lớn xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam; đẩy mạnh xây dựng các kho dự trữ gạo, đạt 4 triệu tấn kho với đầy đủ trang thiết bị để đảm bảo chất lượng gạo sau thu hoạch, chấm dứt tình trạng “được mùa, rớt giá”; cần thành lập Ban Điều hành lúa gạo với sự tham gia của DN, nông dân…