Tại hội thảo, 8 điểm cầu đã được kết nối từ các quốc gia: Mông Cổ, Sri Lanka, Hàn Quốc, Bangladesh, Indonesia, Philippin, Việt Nam…
Cần sân chơi bình đẳng
Giáo sư Sung Min Kim – Học viện Cấp cao Khoa học và Kỹ thuật Hàn Quốc trình bày những vấn đề cốt lõi mà Chương trình nghị sự Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20). Theo ông, cách tiếp cận khung pháp lý tài chính trong giai đoạn trước khủng hoảng dựa trên cơ sở 2 giả định: Cạnh tranh để nâng cao hiệu quả và thiết lập công cụ tài chính mới đảm bảo an toàn hơn.
GS. Sung Min Kim đề xuất cần đảm bảo một sân chơi bình đẳng làm giảm thiểu phạm vi của sự chênh lệch về quy định mang tính liên ngành, liên quốc gia; Cần thiết lập lại hệ thống quản trị rủi ro dựa trên quy chuẩn Basel III, khắc phục những lỗ hổng của Basel II đã lỗi thời.
Ông W.A Wijewardena – Hiệu trưởng của Trường Quản trị Kinh doanh gây chú ý về “Mạng lưới học tập Phát triển Toàn cầu: Hệ thống tài chính và quản trị toàn cầu”. Ông đề xuất, nguyên tắc quản trị tài chính tốt được đưa ra là quản trị doanh nghiệp cần thực hiện các nghĩa vụ về tài chính, luật pháp; cần sự hợp tác giữa các tổ chức tài chính và nhà quản lý; chịu trách nhiệm trong việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc quản trị.
Hướng tới thành lập hệ thống quản trị tài chính chung
Theo đánh giá của PGS.TS Đỗ Đức Minh, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán Bộ Tài chính, hiện nay các nước đang phát triển rất cần thành lập hệ thống quản trị tài chính chung. Họ có cùng mối lo về sự đổ vỡ của doanh nghiệp, gia tăng nợ xấu… Hướng đi cho những nước đang gặp khó khăn là cùng nhau trao đổi và thảo luận nhằm tìm ra giải pháp.
Cuộc gặp gỡ của các chuyên gia quốc tế lần này bước đầu thảo luận và đề xuất những ý kiến đóng góp từ các quốc gia đang phát triển để tìm ra một hệ thống quản trị tài chính chung nhất. “Đây là những thông tin ban đầu để các học giả đưa ra vấn đề cùng bình luận, nghiên cứu tìm ra giải pháp mới hướng tới hệ thống tài chính linh hoạt. Chúng tôi tiếp tục tập hợp ý kiến từ các chuyên gia quốc tế nhằm triển khai buổi thảo luận chuyên sâu dự kiến vào thời gian tới để ra những đề xuất cũng như đánh giá tính khả thi cho việc thành lập hệ thống quản trị tài chính trong khu vực”. PGS.TS. Đỗ Đức Minh cho hay.
Tại phiên họp “Liên Hiệp quốc và quản trị kinh tế toàn cầu” của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, Ông Hà Huy Tuấn,Trưởng Đoàn đại biểu Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với các nỗ lực cải cách hướng đến việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các thể chế quản trị toàn cầu.