“Ngán” vì… Ngao
Có mặt tại vùng triều xã Hải Lộc, một trong những xã có truyền thống về nuôi ngao và diện tích ngao lớn của huyện Hậu Lộc (xã Hải Lộc có 169ha nuôi ngao), hàng chục người ngồi buồn so, hướng mắt ra phía bãi triều. Nơi ấy họ có hàng tỷ đồng đang bị vùi dưới lớp bùn cát.
Một ông chủ nuôi ngao cho biết: Cách đây hơn 1 năm về trước, ngao bán được giá. Nếu thuận lợi người nuôi ngao sẽ đạt lợi nhuận một gấp đôi. Vì vậy, mỗi ha nuôi ngao đầu tư hết khoảng 300 – 400 triệu tùy theo bãi cao – thấp. Khi thu hoạch được 800 triệu/ha.
Năm 2012, ông vận động anh em, bạn bè tập trung vốn thầu hơn 10 ha. Vốn bỏ vào cải tạo bãi triều, mua cọc, lưới, con giống, công chăm sóc lên đến gần chục tỷ đồng. Thời điểm này, thị trường ngao xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước bị thu hẹp, ngao chỉ bán lẻ tiêu dùng nội địa, giá rớt thê thảm. Vô tình, ông trở thành kẻ gieo họa cho những người đã hùn vốn nuôi ngao.
Ông Nguyễn Văn An – chủ đại lý ngao xã Hải Lộc thở dài: Có hàng chục ông chủ ở vùng này, hàng trăm ông chủ ngao ở các vùng lân cận như Minh Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc… vỡ nợ vì ngao. Bởi muốn nuôi nhiều phải đầu tư vốn lớn, huy động anh em, bạn bè, “cắm” sổ đỏ thế chấp ngân hàng, thậm chí liều lĩnh vay nóng bên ngoài. Tiền đã đổ hết vào ngao, ngao ngâm dưới biển, lãi vay vẫn phải trả… Nhiều hộ trở nên cùng quẫn, “khuynh gia bại sản” vì ngao.
Còn tại huyện Nga Sơn, là huyện đứng thứ 2 về diện tích nuôi ngao của tỉnh Thanh Hóa. Gặp ông Đỗ Văn Nam – chủ nuôi ngao ở xã Nga Liên. Ông Nam cho biết, năm 2012, ông huy động người thân hùn vốn và nhận thầu lên tới 30ha nuôi ngao. Số tiền đổ vào ngao hơn 10 tỷ đồng, hiện mới thu về được vài trăm triệu, không biết lấy tiền đâu mà trả lãi cho ngân hàng” - ông Nam phân trần.
Tiền tỷ đang ngâm dưới biển
Ông Mai Xuân Tạc – chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn cho hay: Huyện Nga Sơn có 700 ha nuôi ngao nằm trong quy hoạch. Năm 2012 đã đưa vào nuôi trên diện tích 400ha. Thực trạng bãi triều của huyện không đẹp, bãi sâu, dốc, lầy bùn… nên người nuôi ngao phải đầu tư nhiều hơn các vùng khác để cải tạo bãi nuôi. Thị trường của ngao chủ yếu là xuất khẩu, chứ tiêu thụ trong nước rất hạn chế. Bởi vậy, đầu ra hoàn toàn bấp bênh, không chủ động được. Những yếu tố trên khiến ngao rớt giá và ế ẩm là điều không tránh khỏi. Hiện Nga Sơn mới xuất bán được 300 tấn, còn khoảng 3.000 tấn chưa thu hoạch.
Ông Tạc tỏ ra lo lắng: “Đã chuẩn bị đến mùa mưa bão, huyện Nga Sơn có hai cửa lạch gồm lạch Sung và lạch Càn, mưa lũ lớn, nước đổ từ hai cửa lạch này ra bãi triều, cuốn theo lượng lớn phù sa có khả năng phủ kín diện tích nuôi ngao của huyện. Nguy cơ mất trắng ngao là điều khó tránh khỏi”
Ông Tạc còn cho biết thêm hệ lụy từ việc nuôi ngao. Đó là diện tích nuôi ngao được mở rộng đồng nghĩa với việc diện tích nuôi con ron, giắt làm thức ăn nuôi cua bị thu hẹp. Vì vậy, năm 2012, sản lượng nuôi cua của huyện cũng sụt giảm đáng kể.
Lao động tham gia trực tiếp vào việc chăm sóc, nuôi trồng, thu hoạch ngao là khá lớn. Hiện họ cũng đang chịu cảnh thất nghiệp. Các vùng bãi triều nuôi ngao của huyện là vùng công giáo, như xã Nga Tiến, Nga Liên...; kinh tế sa sút, việc làm không có không chỉ người nuôi ngao thất thu, thua lỗ, hàng trăm lao động địa phương cũng không có việc làm, lại phải bỏ xứ đi làm thuê tận trong nam, ngoài bắc; nguy cơ mất ổn định về an ninh trật tự tại địa phương.
Hiện hầu hết các hộ nuôi ngao không bán được ngao thịt nên thiếu vốn, họ không tha thiết, mặn mà với việc cải tạo bãi triều, chuẩn bị để xuống giống khi vụ nuôi mới đang đến gần. Người dân nuôi ngao thì như ngồi trên đống lửa khi mỗi ngày, nguy cơ hàng trăm tỷ đồng sẽ trôi ra biển lúc nào không biết.