“Được mùa rớt giá”: Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều!
Trả lời về những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm nhiều nhất đó là việc giá lúa gạo vẫn còn thấp và điệp khúc “được mùa rớt giá”, “lỗ kép”,… Bộ trưởng Cao Đức phát trăn trở “đây là vấn đề lớn, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hoàn thiện đề án tổng thể tái cấu trúc ngành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện đã có bàn bạc, phân công trong Bộ, sắp tới sẽ triển khai trong toàn ngành.
 |
Cần tiếp sức cho nông dân bằng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và dịch vụ đồng bộ.Ảnh: PV |
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, theo Bộ trưởng trước hết cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất để tập trung vào những mặt hàng là thế mạnh của nước Việt Nam. Đồng thời phải tiếp sức nông dân bằng việc tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là về giống, xây dựng cơ sơ hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, khuyến khích phát triển, bảo quản chế biến bằng công nghệ hiện đại đem lại giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất để hình thành các chuỗi kết nối người sản xuất với thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, không để tổ chức, đơn vị có ưu thế trên thị trường ép giá nông dân. Ngoài ra, khuyến khích, hỗ trợ nông dân hình thành hợp tác xã, tổ liên kết hình thành chuỗi sản xuất để khẳng định vị thế mạnh hơn của nông dân trên thị trường.
Tạm trữ lúa gạo: Chỉ là giải pháp tình thế!
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh như vậy khi trả lời nội dung chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Bé tỉnh Kiên Giang. Theo Bộ trưởng đó chỉ là một trong những giải pháp để tác động vào thị trường, không phải biện pháp căn cơ và giải quyết mọi vấn đề của ngành lúa gạo. “Những năm thị trường tốt chúng ta không cần đến chương trình tạm trữ nhưng chúng tôi thấy rằng cũng đã đến lúc ngành lúa gạo của chúng ta cần phải có sự chuyển biến căn bản. Việc thu mua tạm trữ diễn ra vào thời điểm thu hoạch rộ nhất và không thể phù hợp với tất cả các tỉnh”.
Bộ trưởng nêu thực trạng “khi tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch 70% diện tích lúa hè thu, thì tỉnh Bến Tre bắt đầu xuống giống; trong khi Hậu Giang mới thu hoạch 10% diện tích lúa hè thu, còn An Giang mới bắt đầu thu hoạch… nên không thể nào có 1 chương trình đáp ứng được tất cả các địa phương.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH về việc người nông dân hưởng lợi như thế nào trong chính sách tạm trữ lúa gạo, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, việc mua tạm trữ giúp cho giá không bị xuống vào lúc thu hoạch rộ, theo đó người nông dân được hưởng lợi ở chỗ giá được nâng lên. Thực tế sau khi mua tạm trữ, giá lúa vụ đông xuân được nâng lên khoảng 100 - 150 đồng/kg. Ngay vụ hè thu này, khi Chính phủ vừa mới công bố mua tạm trữ thì giá cũng đã lên thêm 200 đồng/kg.
Chốt lại phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại phiên chất vấn, Bộ trưởng cũng đã trả lời 28 lượt ý kiến chất vấn, còn 13 ĐBQH có câu hỏi, đề nghị gửi văn bản tới và Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ nghiêm túc trả lời. “Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời đầy đủ, thấu đáo và làm rõ tình hình. Nếu làm được tốt điều này thì chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy cho phát triển nông nghiệp, đời sống nông dân trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hy vọng.
Ngân hàng luôn ưu tiên nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn Trong 5 năm vừa qua, tín dụng nông nghiệp và nông thôn đã tăng gấp 2 lần. Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, tín dụng của cả nền kinh tế chỉ tăng trưởng cỡ khoảng hơn 2%, trong khi đó tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn tăng xấp xỉ 5%...
(Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình)
|