ODA tăng đều đặn từng năm
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, năm 2013 đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Việc JICA tiếp tục cam kết tài trợ cho Việt Nam thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng đã chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ hai nước trong quan hệ đối tác chiến lược, cũng như sự tin tưởng của Nhật Bản vào năng lực quản lý, thực hiện dự án, đánh giá cao tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Việt Nam.
Mặc dù hiện tại Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, nhưng vốn ODA của Nhật Bản vẫn không hề giảm. Thể hiện rõ nhất là vào trung tuần tháng 3/2013 vừa qua, Việt Nam và JICA đã ký kết 11 hiệp định cho Việt Nam vay vốn thuộc năm tài khóa 2012 với tổng trị giá 175,025 tỷ Yên, tương đương khoảng 1,9 tỷ USD.
Sự kiện này đánh dấu năm thứ 21 liên tiếp Chính phủ Nhật Bản cung cấp ODA cho Việt Nam với tổng số vốn cam kết hiện nay lên tới mức kỷ lục, xấp xỉ 2.000 tỷ Yên, tương đương 21 tỷ USD.
Các khoản vay trên đa số dành cho các dự án hạ tầng giao thông như: Dự án Xây dựng đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân, cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, cầu Nhật Tân...
Nhiều công trình tiêu biểu, đem lại diện mạo mới cho nước ta có dấu ấn của vốn ODA trong những năm qua như: Nhà ga hành khách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Tiên Sa - Đà Nẵng, cảng Lạch Huyện, hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, cầu Cần Thơ, Thanh Trì, Nhật Tân, đường Vành đai 3 Hà Nội......
Hành trình tàu Bắc - Nam sẽ chỉ còn 20 giờ
Ngoài các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng đem lại hiệu quả kinh tế lớn, nguồn vốn ODA của JICA còn dành cho những dự án hạ tầng mang nhiều ý nghĩa dân sinh, trong đó có Dự án tín dụng ngành giao thông vận tải (GTVT) để cải tạo cầu yếu.
Ông Lê Xuân Sinh, Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án 6, Bộ GTVT cho biết, dự án này có ý nghĩa xã hội hết sức rộng lớn với việc xây dựng tới 9.363m dài cầu và 38,4km đường 2 làn xe.
Được biết, từ hiệu quả của giai đoạn 1, mới đây JICA đã hỗ trợ thêm hơn 24,7 tỷ Yên để tiếp tục giai đoạn 2 cải tạo 82 cây cầu cũ. Khi các công trình hoàn thành sẽ cải thiện đáng kể mạng lưới đường bộ quốc gia, tăng cường kết nối thông thương hàng hóa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, nhiều cây cầu đã xuống cấp nhưng không được cải tạo triệt để do nguồn kinh phí còn hạn hẹp.
Nguồn vốn của Nhật Bản dành cho dự án xây cầu đã giúp đường sắt tăng khối lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa, nâng cao an toàn chạy tàu, giảm thời gian hành trình trên tuyến từ 36 giờ xuống còn 30 giờ. Sau khi hoàn thành dự án, thời gian chạy tàu Bắc - Nam sẽ chỉ còn hơn 20 tiếng.
Thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ của Nhật Bản tập trung chủ yếu các dự án khôi phục, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông. Tới đây, sẽ tập trung để phát triển những dự án trọng điểm như đường cao tốc, hầm đường bộ, sân bay...