Tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính cho biết: Đây là dịp để Bộ Tài chính cũng như phía các nhà tài trợ cùng kiểm điểm tiến độ triển khai quan hệ đối tác, rút ra những bài học kinh nghiệm và tìm ra biện pháp để tăng cường quan hệ đối tác trong thời gian tới.”
“Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ quyết định sẽ có điều chỉnh phương thức tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách thường niên, Bộ Tài chính vẫn quyết định tổ chức cuộc họp Nhóm đối tác như thông lệ hàng năm, với mong muốn tiếp tục được lắng nghe những chia sẻ của các nhà tài trợ, về kế hoạch hợp tác trong thời gian tới trong lĩnh vực quản lý tài chính công; cũng như những đề xuất, khuyến nghị của các nhà tài trợ về mô hình hợp tác trong thời gian tới” - ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Bảo Thanh, Trưởng phòng Quản lý chương trình - dự án (Vụ Hợp tác quốc tế) đã trình bày tình hình triển khai quan hệ đối tác giữa Bộ Tài chính và các nhà tài trợ trong lĩnh vực quản lý tài chính công trong 6 tháng đầu năm 2013, cũng như trong thời gian tiếp theo.
Theo đó, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thực hiện các mục tiêu cải cách quản lý tài chính công đã đề ra. Các cuộc họp nhóm đối tác sẽ vẫn được duy trì với cách tiếp cận thay đổi để đem lại hiệu quả cao hơn. Tiếp tục triển khai các đánh giá chung theo chuyên đề về công tác quản lý và giám sát tài chính công nói chung, hoặc theo chủ đề về công tác quản lý và giám sát tài chính công nói chung hoặc về các nội dung, kế hoạch cải cách cụ thể...
Đồng thời, Bộ Tài chính và các nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục phối hợp để xác định các nội dung ưu tiên hỗ trợ và cách thức hợp tác trong giai đoạn tới, trước mắt cho giai đoạn 2013 - 2015. Đồng thời tập trung đẩy nhanh việc hình thành và xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong năm 2013.
Đề cập sâu hơn về vấn đề xây dựng Tài liệu chi tiết hóa Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tài chính 2020, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Tài liệu gồm 4 phần nội dung chính: Rà soát danh mục đề án; Nguyên tắc xác định thứ tự ưu tiên; Bảng chi tiết hóa Chương trình hành động giai đoạn 2013-2015 và Rủi ro và các biện pháp quản lý rủi ro trong quá trình thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình cho rằng: Về cơ bản, hiện Tài liệu chi tiết hóa đã được xây dựng xong khung và đang rà soát bổ sung. Viện cũng đã xây dựng xong lộ trình cho việc xây dựng bộ tài liệu. Dự kiến, trong khoảng thời gian từ tháng 9 tới tháng 10-2013, sẽ hoàn thiện kế hoạch chi tiết trung hạn và tới tháng 11-2013 sẽ trình lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt.
Tại hội nghị, đại diện các nhà tài trợ đều khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ phía Việt Nam thực hiện nhiều chương trình cải cách ngành Tài chính.
Ông Sion Morton, cán bộ chương trình, Ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: Thời gian tới, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ thực hiện Chương trình Hiện đại hóa Tài chính công tại Việt Nam (EU-PFMO) theo hướng ưu tiên hỗ trợ việc thực hiện Chiến lược Phát triển ngành tài chính (FSD), với mục tiêu tổng thể và các mục đích cụ thể của Bộ Tài chính trong giai đoạn 2011-2020.
FSD cũng sẽ được bổ sung bởi 9 chiến lược nhánh về: Cải cách thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước, quản lý nợ, thị trường bảo hiểm, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, dự trữ quốc gia và kế toán, kiểm toán.
Cũng tại hội nghị, Bộ Tài chính cũng đã nhận được những phản ánh, đóng góp để cho tiến trình hợp tác, phối hợp này càng hiệu quả hơn, và đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển nền tài chính Việt Nam.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà tài trợ và đại diện các cơ quan ban ngành trong việc xây dựng Tài liệu chi tiết hóa Chương trình hành động về quản lý tài chính công.
Ông Tuấn Anh cũng khẳng định: “Tài liệu chi tiết hóa Chương trình hành động dự kiến sẽ là cơ sở Bộ Tài chính tiến hành huy động và bố trí nguồn lực; tổ chức thực hiện; theo dõi, đánh giá tiến độ và hiệu quả của các Đề án cải cách ưu tiên của ngành tài chính; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát của ngành tài chính trong mỗi giai đoạn trung hạn 3 - 5 năm và trong cả giai đoạn 2011-2020”./.