Theo Bộ Tài chính, các sắc thuế hiện hành thu vào xăng gồm có thuế nhập khẩu (đối với xăng nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế bảo vệ môi trường.
Trong đó, thuế TTĐB là sắc thuế nhằm hạn chế tiêu dùng hoặc để tiêu dùng tiết kiệm. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, chủ yếu là nhập khẩu và sử dụng cho các phương tiện giao thông (chủ yếu là ô tô chở người dưới 24 chỗ ngồi, loại cũng hạn chế và chịu thuế TTĐB) nên cần sử dụng tiết kiệm.
Vì vậy, việc thu thuế TTĐB đối với xăng là cần thiết và phù hợp với bản chất của sắc thuế này. Trong khi đó, Việt Nam chưa thu thuế TTĐB đối với dầu, vì dầu chủ yếu được sử dụng cho sản xuất, kinh doanh - trong khi đó khá nhiều nước vẫn thu với dầu.
Thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP có quy định, giá cơ sở là giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) Quỹ Bình ổn giá (+) Lợi nhuận định mức trước thuế cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Phí xăng dầu cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Giá cơ sở được tính bình quân của số ngày dự trữ lưu thông quy định tại Điều 22 Nghị định 84/2009/NĐ-CP (hiện nay quy định là 30 ngày).
Tại rất nhiều nước, xăng cũng là mặt hàng chịu thuế TTĐB và nhiều nước thu ở mức cao, trong khi dầu không chịu thuế hoặc chịu ở mức thuế suất thấp hơn xăng.
Ví dụ Hồng Kông thu 0,77 - 0,78 USD/lít xăng; Ấn Độ thu 0,31 USD/lít vào ngân sách của chính quyền trung ương, 0,3 USD/lít cho chính quyền địa phương; Philippines thu thuế TTĐB đối với cả xăng và dầu, trong đó mức thuế TTĐB đối với xăng khoảng 0,11 USD/lít; Úc thu thuế TTĐB đối với cả xăng, dầu diesel, khí, trong đó thuế TTĐB đối với 1 lít xăng khoảng 0,4 - 0,5 USD… Còn tại Việt Nam, thuế TTĐB quy đổi ra USD cũng chỉ chưa đến 0,1 USD/lít.
Trong khi đó, tỷ trọng số thu các sắc thuế trong giá xăng ở nhiều nước khá cao: ở Nga là 55%, trong đó thuế GTGT là 18% và 37%, còn lại là thuế TTĐB và các sắc thu khác. Tại Ấn Độ, cộng chung số thuế của chính quyền Trung ương và địa phương thì tỷ trọng khoảng 50%... So với các nước, tỷ lệ các khoản thuế trên giá xăng ở Việt Nam thấp hơn nhiều, hiện nay khoảng 30% và tổng thu các loại thuế trên một lít xăng khoảng 7.000 đồng.
Về thuế nhập khẩu, theo Bộ Tài chính, căn cứ khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định đối với nhóm mặt hàng xăng dầu (mã HS thuộc nhóm 2710) là 0 đến 4%; cam kết WTO đối với nhóm mặt hàng này là 40%; căn cứ nguyên tắc xác định mức thuế suất thuế nhập khẩu tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã có văn bản số 837/BTC-CST ngày 10/1/2010 công bố các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu tương ứng với giá bán mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới (Barem) như sau:
STT
|
Giá Platt’s dầu thô WTI
(USD/thùng)
|
Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (%)
|
Xăng, dầu hỏa, nhiên liệu bay
|
Diezen, mazut
|
1
|
Từ 45 đến dưới 60
|
30
|
25
|
2
|
Từ 60 đến dưới 75
|
25
|
20
|
3
|
Từ 75 đến 95
|
20
|
15
|
Tuy nhiên trong thời gian qua, mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu luôn ở mức thấp hơn so với Barem. Mức thuế hiện tại: 18% đối với xăng; 14% đối với nhiên liệu diesel cho ôtô và nhiên liệu diesel khác; 15% với dầu nhiên liệu và 16% đối với dầu hỏa, trong khi vào thời điểm này, giá Platt’s dầu thô WTI đang là 95.64 USD/thùng (ngày 25/6/2013) đã thể hiện rõ điều đó.
Theo Bộ Tài chính, việc để mức thuế nhập khẩu xăng dầu thấp hơn Barem cho thấy, ngân sách nhà nước đã và đang chia sẻ trách nhiệm với người tiêu dùng. Hơn nữa, việc thu thuế cũng là để phục vụ nhu cầu chi cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội, nên trong ngắn hạn cần giữ ổn định mức thuế trên, đồng thời có kết hợp với các biện pháp khác để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Trong điều kiện giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, liên bộ sẽ sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp để bình ổn giá xăng dầu trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm giữa ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng./.