Nếu tờ trình này được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh thông qua, Samsung sẽ nhận được ưu đãi rất “khủng” từ tỉnh này.
Tuy nhiên, xét những gì Samsung đã làm được tại Bắc Ninh, ưu đãi này có lý do khá thuyết phục.
Theo tờ trình, UBND tỉnh Bắc Ninh muốn hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN Yên Phong I bằng cách hỗ trợ 50% tiền thuê hạ tầng cho diện tích 559.365 m2 để xây dựng Nhà máy sản xuất và các công trình phúc lợi xã hội của Samsung tại Khu công nghiệp Yên Phong I, tỉnh Bắc Ninh với tổng số tiền tạm tính là 346,52 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ hàng năm tối đa không quá 60% số thuế TNDN thực nộp ngân sách hàng năm và thời gian hỗ trợ là 5 năm liên tục kể từ khi có số thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp ngân sách.
Về phương thức hỗ trợ, Bắc Ninh dự kiến hỗ trợ cho SEV và các công ty khác thuộc tập đoàn Samsung thông qua Công ty đầu tư hạ tầng Viglacera. Mức hỗ trợ kinh phí cụ thể hàng năm do UBND tỉnh trình Thường trực Hội đồng nhân nhân tỉnh quyết định, phù hợp với cân đối ngân sách địa phương.
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã nhận được Văn bản 20130417-05/SEV-FIN ngày 17/4/2013 và Văn bản 20130423/08/SEV-COM ngày 23/4/2013 của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đề nghị được hưởng ưu đãi đầu tư nói trên.
Theo ông Nguyễn Lương Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, từ khi được cấp phép lần đầu năm 2008, Samsung đã nghiêm túc thực hiện các cam kết trong việc triển khai Khu Tổ hợp công nghệ Samsung. Năm 2011, nhà đầu tư này đã giải ngân vốn đầu tư 670 triệu USD. Năm 2012, đầu tư dự án thứ hai và nâng tổng vốn đầu tư lên 1,5 tỷ USD. Đến nay, đã giải ngân 1,123 tỷ USD/1,5 tỷ USD, số vốn còn lại là 377 triệu USD sẽ giải ngân hết trong năm 2013, sớm hơn cam kết là 2 năm.
Tháng 4/2013, SEV đã khởi công dự án Khu ký túc xá cho công nhân với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD trên diện tích 7.200m2 , giải quyết chỗ ở cho khoảng 6.000 công nhân.
Năm 2012, đạt giá trị sản xuất công nghiệp 11,88 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế khoảng 1.584 tỷ đồng (79,24 triệu USD). Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đạt trên 20% và tiếp tục tăng trong những năm tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp của SEV chiếm tới 75,2% giá trị sản xuất khu vực FDI, chiếm 70,5% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
“Dự án đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ giúp Bắc Ninh xây dựng được hình ảnh, thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực điện tử, viễn thông góp phần hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh”, tờ trình do Phó chủ tịch Nguyễn Lương Thành ký trình cho biết.
Riêng về dự án đầu tư bổ sung 1 tỷ USD, dự kiến sẽ đóng thuế Thu nhập doanh nghiệp sau thời gian được miễn giảm theo quy định ước 570 tỷ đồng/năm, tương đương 27,5 triệu USD/năm. Ngoài ra dự án còn có số thu nộp ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân, thu thuế nhà thầu...
Nhà đầu tư cũng dự kiến sử dụng khoảng 8.000 lao động và số lao động này sẽ nhận tiền lương bình quân hàng năm đạt 422,4 tỷ đồng. Trong số này, dự kiến chi tiêu dùng của người lao động trên địa bàn hàng năm khoảng 192 tỷ đồng.
“Dự án được đầu tư trên địa bàn tỉnh với hy vọng trở thành "cứ điểm sản xuất toàn cầu” của tập đoàn Samsung không chỉ đối với lĩnh vực sản xuất điện thoại và cả lĩnh vực điện tử, viễn thông khác. Với uy tín tầm ảnh hưởng toàn cầu, sự nghiêm túc trong cam kết đầu tư và thực tế SEV là một trong số ít dự án FDI tại Bắc Ninh triển khai nhanh, hiệu quả. Vì vậy dự án sẽ tiếp tục tạo sức lan tỏa thu hút các nhà đầu tư khác vào địa bàn, đặc biệt là thu hút và mở rộng hoạt động các công ty vệ tinh, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn”, tờ trình của UBND tỉnh Bắc Ninh diễn giải./.