|
|
 |
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng ổn định thì tâm lý đẩy này nó tác động không lớn |
 |
 |
TS. Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: TL. |
|
|
* Thưa TS. Lê Xuân Nghĩa, ông bình luận như thế nào về mâu thuẫn khi giá cả thực tế hầu như không biến động thì nhiều người tiêu dùng vẫn có suy nghĩ là mọi thứ đều đang tăng giá?
- Đấy người ta gọi là tâm lý đẩy giá, hay kỳ vọng của thị trường về giá cả. Kỳ vọng như tôi vừa nói là dựa trên nền tảng của trải nghiệm quá khứ. Ở Việt Nam chúng ta có quá nhiều trải nghiệm giá cả tăng liên tục trong thời gian dài. Dựa trên những lần trải nghiệm như vậy nên đến giờ người tiêu dùng vẫn có tâm lý đẩy giá rất nặng nề.
* Chúng ta còn nhớ những đợt tăng lương trước đây, mặc dù còn 3 tháng đến 6 tháng mới tăng thì giá cả đã tăng trước?
- Đúng như vậy. Trước đây mỗi một lần tăng lương, tăng giá điện, giá xăng dầu hay các mặt hàng chiến lược thì thị trường lại biến động do tác động tâm lý. Trên thực tế thì tác động này chỉ có tính nhất thời. Chỉ một thời gian ngắn sau thì thị trường lại trở lại quan hệ cung-cầu thực, giá cả lại trở lại ổn định hoặc tăng ở mức không đáng kể.
* Tại sao bây giờ lại không diễn ra một câu chuyện tương tự như vậy?
- Tôi nghĩ có hai vấn đề. Một là tình hình lạm phát đã được kiểm soát khá tốt và tâm trạng của dân chúng đã ổn định hơn. Hai là giá cả nông sản có xu hướng giảm khá mạnh, kéo dài trong vòng 18 tháng nay. Khả năng tăng giá nông sản trong thời gian ngắn trước mắt là rất ít. Vì vậy kỳ vọng này có thể là sai.
* Ông vừa đưa ra khái niệm về tâm lý đẩy trong yếu tố giá. Được biết ông đã từng nghiên cứu về kỳ vọng tỷ giá ngoại tệ. Kỳ vọng này hoàn toàn có thể tác động tới chỉ số lạm phát. Ông có thể phân tích rõ hơn khái niệm này và tâm lý đẩy giá tác động như thế nào đến lạm phát?
- Chúng tôi nghiên cứu tâm lý đẩy đối với tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam ở cả hai thị trường, nội địa và quốc tế. Ở nước ngoài, hiện nay trên thị trường chứng khoán Singapore có một hệ thống đầu cơ đồng Việt Nam tính theo tỷ giá hối đoái so với đồng Đô-la.
Thời điểm tháng 3/2013, kỳ vọng của họ cho rằng năm 2013 tỷ giá hối đoái tăng 2,81%, nhưng đến tháng 6 kỳ vọng chỉ còn lại 1,07%. Hiện nay họ cho rằng cả năm 2013 điều chỉnh tỷ giá chỉ 1%. Điều đó cho thấy, ngay cả các nhà đầu cơ quốc tế về tỷ giá hối đoán giữa Việt Nam đồng và Đô-la cũng càng ngày càng tin cậy hơn vào khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam, tin cậy hơn vào tính ổn định của đồng nội tệ.
Ở thị trường nội địa, kết quả nghiên cứu cho thấy vào tháng 6 kỳ vọng đó là 1,4%. Hiện nay kỳ vọng đó đang giảm rất mạnh, có thể cuối năm chỉ còn 1%.
* Điều này tác động như thế nào đến chỉ số lạm phát?
- Trên thực tế, nếu như ngân hàng Trung ương điều chỉnh tỷ giá 1%, kỳ vọng cũng 1% thì tháng 7 tác động vào lạm phát chỉ 0,01%. Tháng 9 tác động vào lạm phát 0,12%, tháng 12 là 0,58%.
* Rõ ràng là thực tế đang tồn lại một tâm lý đẩy hiện hữu trong rất nhiều người dân. Ông có thể cho biết hậu quả của tâm lý đẩy này?
- Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng ổn định thì tâm lý đẩy này tác động không lớn. Nhưng trong xu hướng bất ổn, tức là giá cả leo thang chẳng hạn thì tác động của tăng giá là rất mạnh.
|
Nhóm hàng giao thông tăng giá mạnh (tăng 1,37% so với tháng 6). Ảnh: MN. |
Chúng ta đã có những trải nghiệm, ví dụ năm 2010, tỷ giá hối đoái tại thị trường Singapore, nơi nhà đầu tư nước ngoài đang mua bán đồng Việt Nam thì người ta kỳ vọng vào tháng 3 Việt Nam sẽ tăng tỷ giá hối đoái 5%, đến tháng 6 họ kỳ vọng Việt Nam sẽ thay đổi tỷ giá khoảng 8,4%, tháng 9 họ lại kỳ vọng Việt Nam thay đổi tỷ giá 9,4%. Kỳ vọng này ngày càng tăng lên vì vào thời điểm đó lạm phát của Việt Nam vẫn còn khá cao, người ta chưa tin vào khả năng kiềm chế lạm phát của Việt Nam và chưa tin vào khả năng ổn định tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
* Tâm lý đó sẽ tác động như thế nào tới đời sống của người dân?
- Tôi nghĩ rằng đối với giá cả thông thường nó sẽ bị tác động khá mạnh nếu xu hướng kiểm soát vĩ mô kém. Ngược lại, nó sẽ tác động rất nhỏ nếu xu hướng kiểm soát vĩ mô tốt. Tôi tin rằng trong điều kiện chúng ta giữ tỷ giá hối đoái, ổn định lãi suất, đặc biệt là kiểm soát tốt lạm phát thì tác động tâm lý này sẽ không lớn.
* Xin cảm ơn ông!
Chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,27% so với tháng 6
Chỉ số giá tháng này chịu tác động của đợt thi Đại học và Cao đẳng, từ việc tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức, việc ngân hàng Nhà nước nới lỏng tỷ giá và 2 đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 6. Xăng dầu tăng giá kéo theo chỉ số giá giao thông có mức tăng cao nhất trong rổ hàng hóa (1,37%); thực phẩm tăng 0,18%.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
|