Tham dự Lễ khai mạc có ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; ông Arata Takebe, đại diện lãnh đạo Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt; ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chinh và nhiều vị quan chức cấp cao khác của Việt Nam và Nhật Bản.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Tô Huy Rứa cho biết: “Nhật Bản hiện đang là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Hai nền kinh tế đã, đang và sẽ hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư lâu dài của các doanh nghiệp Nhật Bản mà còn là người bạn, người đồng hành tin cậy của nhân dân xứ sở mặt trời mọc”.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của diễn đàn lần này như: Kiến nghị các định hướng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước trong tương lai; tạo lập nền tảng kết nối DN, cập nhật những cơ hội đầu tư, kinh doanh và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Đặc biệt, diễn đàn còn là cơ hội để các DN hai nước đối thoại trực tiếp với đại diện Chính phủ, lãnh đạo các địa phương.
Ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Trong mối quan hệ hợp tác kinh tế, hợp tác thông qua đầu tư là một trong những yếu tố chủ chốt nhằm tăng cường, thắt chặt mối quan hệ kinh tế nói chung. Là một quốc gia công nghiệp hóa với khả năng về tài chính và thế mạnh về công nghệ, Nhật Bản luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư quốc tế. Với nguồn đầu tư từ Nhật Bản ngày càng tăng cường, Việt Nam sẽ được tiếp sức để phát triển mạnh mẽ hơn…”.
Sau 40 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, Nhật Bản đã trở thành đối tác hợp tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Hiện tại, Nhật Bản là quốc gia đầu tư FDI số 1 của Việt Nam với số lượng các dự án FDI ngày càng tăng.
Trong năm 2011 có 234 dự án đầu tư mới của các cty Nhật Bản đã được cấp phép tại Việt Nam, chiếm 25% tổng nguồn vốn FDI; năm 2012, con số đó là 317, chiếm 50% tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam.
Nhật Bản cũng là quốc gia cung cấp nguồn vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam, với hơn 70% nguồn vốn ODA Nhật Bản được sử dụng cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông và điện.
Việc Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người dân trong nước. Riêng hơn 100 cty sản xuất của Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thăng Long đã tạo công ăn việc làm cho hơn 60 nghìn lao động./.