Sáu mươi tám năm qua, ngành Thuế ra sức phấn đấu và khắc phục mọi khó khăn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích đầu tư, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu thuế đi liền với nuôi dưỡng nguồn thu.
Thu thuế phải thu được lòng dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác quản lý tài chính và Chủ tịch đã đề ra phương châm cho ngành Tài chính khi thực hiện nhiệm vụ thu thuế của người dân đóng góp cho công cuộc cách mạng và kiến thiết Nhà nước, đó là "Thu thuế phải thu được lòng dân".
Thấm nhuần tư tưởng đó, ngành Thuế đã có nhiều hành động thiết thực, cụ thể hóa tư tưởng của Bác vào thực tiễn công tác.
Nhận thấy được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật thuế dưới nhiều hình thức khác nhau từ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền qua pa-nô, áp-phích tại các khu dân cư về trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế, quyền lợi của người nộp thuế ... đến những tờ rơi, hệ thống ki-ốt thông tin cập nhật đầy đủ các nội dung để người nộp thuế thông hiểu chính sách của Nhà nước.
Đồng thời để cơ quan thuế thực sự là bạn đồng hành của người nộp thuế, ngành thuế đã giải đáp và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế phát sinh trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật thuế dưới nhiều hình thức như: trả lời bằng văn bản, giải đáp qua điện thoại và hỗ trợ người nộp thuế tại chỗ. Đặc biệt hơn ngành Thuế đã tổ chức những cuộc đối thoại trực tiếp, những “tuần lễ lẵng nghe ý kiến người nộp thuế”… mà ở đó, khoảng cách giữa một cơ quan quản lý thuế với người nộp thuế đã được xóa bỏ, tất cả cùng nhìn về một hướng để tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người nộp thuế mở rộng SXKD, tích luỹ đầu tư và đóng góp nhiều hơn cho NSNN.
Trong thời kỳ đổi mới, cán bộ công chức ngành Thuế luôn ý thức và phấn đấu vì sự nghiệp thu ngân sách nhà nước và hoàn thành chỉ tiêu dự toán được Đảng và Nhà nước giao. Ý thức luôn đổi mới và tạo điều kiện tốt nhất cho người nộp thuế đã được ngành Thuế đặt ra và tiến hành các cuộc cải cách lớn nhằm động viên được các nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh,…
Bám sát công cuộc cải cách hệ thống thuế
Công cuộc cải cách ngành Thuế được thể hiện rõ nét nhất bằng việc cho ra đời Tuyên ngôn ngành Thuế Việt Nam tháng 11/2012.
Những giá trị mà ngành Thuế luôn coi trọng, xây dựng và gìn giữ không chỉ trong suốt 68 năm qua mà còn gìn giữ lâu dài với 4 giá trị cốt lõi nhất: “Minh bạch – Chuyên nghiệp – Liêm chính và đổi mới”.
Điều này đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam giao nhiệm vụ tới toàn thể công chức, viên chức ngành Thuế phải quyết tâm thực hiện và đạt được các giá trị đã cam kết.
Xác định nhiệm vụ thu NSNN của toàn ngành Thuế trong năm 2013 là rất nặng nề và khó khăn, song phát huy những truyền thống tốt đẹp của ngành thuế trong thời gian qua, toàn thể cán bộ công chức, viên chức trong ngành Thuế đang ra sức thi đua, phấn đấu cao nhất chỉ tiêu thu nộp ngân sách nhà nước đã được Đảng và Nhà nước giao.
Với những hành động và việc làm cụ thể thiết thực chào mừng 68 năm kỷ niệm của Ngành, mỗi cán bộ công chức thuế đang ra sức thi đua, vận động người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát chống gian lận thuế và đôn đốc thu hồi nợ đọng…
Cùng với việc ban hành, sửa đổi các sắc thuế, phí - lệ phí, ngành Thuế đã triển khai cải cách hành chính thuế. Sự cải cách này được thể hiện ở tất cả các mặt từ khâu đăng ký thuế, kê khai, đến khâu nộp, quyết toán thuế; từ việc thực hiện cơ chế tự khai - tự nộp, áp dụng quy chế “một cửa” trong thực hiện các thủ tục hành chính Thuế trên toàn quốc, đến đề xuất ban hành quy chế mới tạo sự chủ động tối đa cho các DN trong việc in, phát hành và sử dụng hoá đơn.
Ngành đã xây dựng dự án Luật thuế TNCN đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009; sửa đổi, bổ sung các Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt; Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (có hiệu lực từ 1/7/2013)… nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực, ổn định nguồn thu cho NSNN.
Ngành Thuế cũng đã “bắt mạch” kịp thời các biến động của nền kinh tế, khó khăn, thuận lợi của NNT để đề xuất các chính sách ưu đãi, miễn, giảm, giãn, xóa nợ thuế,... kịp thời, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Không dừng lại ở đó, hiện ngành Thuế đang tự đặt ra cho mình những nhiệm vụ lớn hơn, đó là phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong bốn nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á có mức độ thuận lợi về thuế; trong giai đoạn 2010 - 2020, phấn đấu tối thiểu sẽ có 90% DN sử dụng các dịch vụ thuế điện tử; 65% DN đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet; 80% số NNT hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp. Đồng thời, cơ cấu lại nguồn thu theo hướng tăng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) để đến năm 2015 đạt trên 70% tổng thu NSNN và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu NSNN. Tỷ lệ huy động thu NSNN giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 23 - 24% GDP, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí khoảng 22 - 23% GDP; tốc độ tăng trưởng số thu thuế, phí và lệ phí bình quân hàng năm từ 16 - 18%/năm.
Với những mục tiêu đã được chuẩn hóa, sự thành công của cuộc cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới, đánh dấu sự tiếp nối chuyển mình mạnh mẽ của ngành Thuế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Ghi nhận những thành quả đạt được trong những năm qua, ngành thuế Việt Nam đã được Đảng, nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành được tặng thưởng các phần thưởng và danh hiệu như: Anh hùng Lao động; Cờ Thi đua của Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ Tài chính; Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua ngành Tài chính; Tập thể lao động xuất sắc,.... |