Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCO trước câu chuyện đổi tên sữa, tăng giá sữa làm “nóng” dư luận suốt thời gian qua.
* Một số cơ quan báo chí cho biết giá sữa cập cảng do hải quan cung cấp thấp hơn nhiều lần so với giá bán ra thị trường. Có hay không thực tế này, thưa ông?
- Tôi cho rằng các so sánh như vậy là khập khiễng, vì mỗi một loại sản phẩm có thông số giá khác nhau. Như sữa dành cho trẻ em dưới 3 tuổi khác với loại dành cho trẻ dưới 12 tuổi, hoặc dùng cho các mục đích khác… Nếu chỉ dùng sản phẩm similac, hay enfakid để nói về số đông là chưa chính xác.
Hơn nữa giá trên tờ khai hải quan là giá CIF, tức là giá khai trên hợp đồng chứ không phải giá thị trường. Thông thường giá thị trường của một sản phẩm sữa bao gồm: 5% đến 10% thuế nhập khẩu, 10% thuế VAT, cộng với các chi phí lưu kho lưu bãi, phí kiểm dịch và một số loại phí khác...
Kết quả cuộc thanh kiểm tra giá sữa được Thanh tra Bộ Tài chính và Cục Quản lý giá thực hiện từ năm 2009 – 2010 cũng đã kết luận được là giá vốn các loại sữa (giá đã tính thuế, chưa có chi phí bán hàng và chi phí khác) chênh lệch cỡ khoảng 1,7 đến 2,2 lần so với giá thị trường. Vấn đề đáng lưu ý từ cuộc thanh kiểm tra này là chi phí quảng cáo và chi phí hoa hồng của các DN nhập khẩu và phân phối sữa rất cao so quy định.
Chẳng hạn quy định của Luật thuế TNDN, chi phí quảng cáo hợp lý là 10%, nhưng các DN này chi cho quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt chi cho các cuộc hội thảo tiếp cận y học… vượt cỡ khoảng 30 – 40%. Tất cả các kết quả này đã được công khai tại thời điểm đó.
|
|
 |
Với việc các sản phẩm trước đây được gọi là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuồi nay đã được đổi tên mới, cơ quan quản lý giá không thể yêu cầu DN phải kê khai hoặc phải đăng ký giá theo quy định của Luật Giá.
Vì chỉ có mặt hàng trong danh mục BOG của Luật Giá, cơ quan quản lý mới có quyền thực hiện việc kiểm soát giá trực tiếp. Chúng ta phải quản lý theo Luật, không thể theo cảm tính.
|
 |
 |
Ông Nguyễn Anh Tuấn
|
|
|
* Vậy vì sao kế hoạch thanh, kiểm tra đối với các sản phẩm sữa, cụ thể ở đây là sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo danh mục BOG của Luật Giá, lại không được cơ quan quản lý giá tiến hành trong năm 2013, thưa ông?
- Sau khi Luật Giá chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013, Cục QLG tiếp tục tham mưu cho Bộ tiến hành thanh tra giá sữa trong kế hoạch thanh tra năm 2013. Tuy nhiên kế hoạch này đã không thực hiện được bởi vướng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phân nhóm sản phẩm được Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ năm 2011.
Theo quy chuẩn này, những sản phẩm trước đây gọi là sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, được quy định trong danh mục hàng BOG của Luật Giá nay được chuyển thành tên gọi sản phẩm dinh dưỡng, rồi thức ăn bổ sung cùng nhiều tên gọi khác nhau.
Sở dĩ có sự thay đổi này vì theo quy chuẩn của Bộ Y tế, sản phẩm có chứa 34% độ đạm trở lên mới được gọi là sữa, dưới mức này sẽ gọi là các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm bổ sung. Do vậy ngẫu nhiên toàn bộ các sản phẩm trước đây chúng ta vẫn quen gọi là sữa bột, độ đạm chỉ đạt cỡ khoảng 25 – 32% và không được gọi là sữa nữa, mặc dù qua tờ khai hải quan họ vẫn cứ khai là sữa.
* Ông có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này. Vì sao sản phẩm là sữa khi nhập khẩu về Việt Nam, nhưng lưu hành trên thị trường lại biến thành sản phẩm chức năng ?
- Trong Công ước HS của hải quan đã chuẩn hóa các tên gọi hàng hóa gắn với mã số. Thực tế các sản phẩm nhập khẩu về qua hải quan đều khai báo là sữa và chịu thuế suất là 5% đến 10%, nhưng khi vào đăng ký lưu hành với Bộ Y tế lại phải thay đổi tên gọi thì mới được cấp phép. Cũng có cái khó vì nếu DN đăng ký là sữa thì cũng không được lưu hành, vì chiếu theo quy định độ đạm không đạt mức 34% như trên không được gọi là sữa. Do vậy họ phải đăng ký là sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung, thì mới được lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Vấn đề này chúng tôi đã nhiều lần đưa ra trong các cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước và trong rất nhiều các cuộc gặp bàn luận cùng chủ đề giữa các cơ quan quản lý. Hiện chúng tôi cũng đang tiếp tục theo dõi để có sự quy chuẩn, vì cơ quan hải quan không căn cứ vào thành phần 34% độ đạm như cơ quan y tế quy định được, mà phải căn cứ theo tiêu chuẩn của Công ước HS.
* Có dư luận cho rằng, Luật Giá đến 1/1/2013 mới có hiệu lực, nhưng do nghiên cứu không kỹ càng, nên Luật đã không bao quát được mặt hàng sữa dẫn tới tình trạng như hiện nay. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trước kia theo Pháp lệnh Giá, danh mục BOG có tới 25 mặt hàng, trong đó chỉ có sản phẩm sữa nói chung, chứ không quy định cụ thể sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi như Luật Giá.
Khi xây dựng Luật Giá, lúc đó Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ bảo vệ trước các ủy ban của Quốc hội. Yêu cầu của các đại biểu Quốc hội là cần rút gọn danh sách mặt hàng BOG. Do vậy, một số mặt hàng đã thị trường hóa đã phải bỏ ra khỏi danh mục này như xi măng, thép, thức ăn chăn nuôi…
Lúc đó quan điểm xây dựng Luật thống nhất đề nghị chỉ bảo vệ cho trẻ em dưới 6 tuổi thôi, bởi vì sữa cho trẻ em 6 tuổi trở lên có rất nhiều các sản phẩm khác thay thế. Trên cơ sở đó Quốc hội đã thông qua Luật Giá có hiệu lực từ 1/1/2013.
Tuy nhiên cũng tại thời điểm đó, Bộ Y tế đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có cả văn bản đổi tên sữa như trên. Với việc các sản phẩm trước đây được gọi là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuồi nay đã được đổi tên mới, cơ quan quản lý giá không thể yêu cầu DN phải kê khai hoặc phải đăng ký giá theo quy định của Luật Giá.
Vì chỉ có mặt hàng trong danh mục BOG của Luật Giá, cơ quan quản lý mới có quyền thực hiện việc kiểm soát giá trực tiếp. Chúng ta phải quản lý theo Luật, không thể theo cảm tính. Bởi như tôi đã nói ở trên, Luật Giá rất gắt gao và ngặt nghèo trong vấn đề danh mục mặt hàng BOG.
Cần thiết phải có một văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất tên gọi các sản phẩm này, để khẳng định thực chất nó là sữa theo Tiết h, Khoản 2, Điều 15 của Luật Giá. Khi đó Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các DN phải thực hiện đăng ký giá, kê khai giá ngay lập tức. Đồng thời cơ quan quản lý giá sẽ đề xuất với Bộ yêu cầu thanh tra kiểm tra đối với một số DN kinh doanh phân phối các sản phẩm này nếu phát hiện yếu tố bất thường, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
* Nhưng dư luận vẫn có ý kiến nghi ngờ về trách nhiệm của hai Bộ trong vấn đề quản lý mặt hàng sữa. Ông có thể nói rõ hơn về những việc Bộ Tài chính đã làm trong chức năng nhiệm vụ của mình, nhằm giúp dư luận có cái nhìn nhất quán và đầy đủ về công tác quản lý, điều hành giá mặt hàng sữa của Bộ Tài chính?
- Có thể khẳng định trong chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ động làm hết các trách nhiệm của mình.
Luật Giá chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013. Liền theo đó vào tháng 2, thị trường có sự điểu chỉnh về giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng không thấy các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm này đăng ký giá với cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính như quy định của Luật.
Bộ Tài chính đã đề nghị các DN phải báo cáo. Báo cáo của DN trả lời khẳng định luôn là không kinh doanh mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, mà họ chỉ kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Trước diễn biến tình hình như vậy, tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 3, Cục Quản lý giá đã kiến nghị với tổ thống kê lại đề nghị của Bộ Tài chính làm rõ tên gọi sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và sản phẩm dinh dưỡng. Tiếp theo đó, tháng nào chúng tôi cũng kiến nghị là phải có tên gọi chuẩn để còn quản lý theo Luật.
Bởi cơ quan quản lý Nhà nước là phải quản lý theo luật, tên hàng cũng phải theo luật. Chúng ta không thể nói cái đấy nó là sữa và đề nghị phải kê khai, đăng ký giá… mà phải có một cơ quan chuyên môn chuẩn hóa lại tên gọi. Khi kê khai lại mà nằm trong danh mục mới được thông qua chứ không thể nói bản chất nó là cái này cái kia… để tùy tiện áp đặt, mà phải có tên gọi thống nhất.
- Vậy diễn biến tiếp theo như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi vẫn tiếp tục kiến nghị và đến tháng 6, Phó Thủ tướng đã có thông báo đề nghị Bộ Y tế thực hiện kiến nghị của Tổ điều hành thị trường trong nước có văn bản hướng dẫn tên gọi hàng hóa đối với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và sản phẩm dinh dưỡng để có sự thống nhất chung.
Và gần đây nhất trả lời các phương tiện truyền thông, tôi cũng đã trả lời rõ là rất khó cho Bộ Tài chính. Bộ Tài chính không thể có văn bản yêu cầu DN phải kê khai giá đối với sản phẩm dinh dưỡng được, vì nếu dùng tên gọi sản phẩm dinh dưỡng sẽ bao gồm rất nhiều các sản phẩm khác nằm trong nhóm này. Đơn cử như que kem có chứa sữa, hay sữa đậu nành… cũng đều là sản phẩm dinh dưỡng.
Do đó phải chuẩn hóa tên gọi của nó. Nếu không thể thực hiện đối với cả nhóm thì cũng cần phân loại rõ ra theo từng mã hàng, như nhóm 1, 2, 3 là sữa cho trẻ em; còn nhóm 3, 4, 5 là sản phẩm dinh dưỡng như kem hay sữa đậu nành… Khi đó chiếu theo Luật, chúng tôi sẽ thực hiện quản lý với nhóm 1, 2, 3 mà không quản lý nhóm 3, 4, 5… Có như vậy mới quản lý theo các quy định của Luật Giá là bảo vệ quyền lợi cho trẻ em dưới 6 tuổi.
* Xin cảm ơn ông!
Để khép lại vấn đề này, Thời báo Tài chính Việt Nam sẽ đăng tải bài 3: "Chống loạn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi: Cần gọi tên của chính nó".