Nhấn mạnh những thách thức, áp lực nêu trên sẽ ngày càng thể hiện rõ trong dài hạn, phát biểu tại hội thảo Quy hoạch sử dụng đất đai và việc xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên đất đai dài hạn tại Việt Nam diễn ra sáng nay (1/10), tại Hà Nội, Ths. Phạm Thị Minh Thủy, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) cho biết: trong 10 năm qua, đã có gần 350 nghìn ha đất lúa được chuyển cho mục đích khác, trong đó nhiều diện tích đất lúa thuộc khu vực đồng bằng là dạng “bờ xôi ruộng mật” đã chuyển sang để phát triển đô thị, khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất phi nông nghiệp khác.
"Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp ở một số địa phương còn dàn trải, thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh, dẫn đến tình trạng đất đai bị bỏ hoang hóa, lãng phí nguồn tài nguyên", bà Thủy nhận định.
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch sân golf, các dự án thủy điện. Số liệu báo cáo của các địa phương đến hết quý I/2013, đã tạm dừng triển khai 1.328 dự án (3,69% 5 tổng số dự án) với diện tích 4.361ha; yêu cầu điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu cho phù hợp đối với 432 dự án với diện tích khoảng 22.024 ha.
Thế nhưng, theo kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng ở Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, thì đến năm 2030 nước biển dâng 17cm, diện tích đất lúa bị ảnh hưởng là rất lớn, khoảng 20 nghìn ha, riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long khoảng 15 nghìn ha.
"Khi đó, trên phạm vi cả nước có khoảng trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ cũng sẽ bị ảnh hưởng”, kỹ sư Lưu Văn Thịnh, Trung tâm Kiểm định chất lượng sản phẩm địa chính, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dự tính.
'Nỗi đau' trong quản lý tài nguyên đất sẽ còn dai dẳng, bởi định hướng sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất hiện nay vẫn mới chỉ xét đến tầm nhìn 20 năm, khả năng dự báo về nhu cầu sử dụng đất và các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng đất đai trong tương lai lại hạn chế. Chưa kể là nội dung quy hoạch sử dụng đất hiện nay vẫn nặng về khai thác sử dụng đất chứ ít quan tâm đến yếu tố dự trữ và bảo vệ đất…
“Việc giải quyết các xung đột giữa gia tăng dân số và an ninh lương thực; giữa quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất đai; giữa công cụ quản lý kinh tế và công cụ quản lý hành chính; giữa việc đáp ứng nhu cầu hiện tại với việc đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai… là những vấn đề nổi cộm đặt ra đối với công tác quản lý đất đai của ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển chia sẻ./.