Cảnh báo Việt Nam sẽ khó đứng vững trước làn sóng hội nhập mới nếu vẫn còn vương vấn tư tưởng “nước đến chân mới nhảy” và đặc biệt là “rút kinh nghiệm về thời hậu BTA và hậu WTO”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu ví dụ: Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015” hiện mới chủ yếu mang tính tình thế và ngắn hạn chứ chưa trưng bày được bức tranh tổng thể về quá trình cơ cấu lại một cách cơ bản và dài hạn…
Ngoài việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào 2 năm tới, thì khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết …, cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội và nhiều thách thức cho Việt Nam hơn cả thời điểm gia nhập WTO.
Lường trước những khó khăn và thách thức Việt Nam sẽ phải đối phó trước làn sóng hội nhập mới, ông Con English, Ban Rủi ro – Nhóm hỗ trợ giám sát, Ngân hàng Trung ương Ailen cũng đã đưa ra thông điệp, Việt Nam cần đảm bảo một kế hoạch để xử lý các ngân hàng đổ vỡ. Các thành phần tham gia thị trường cần rõ ràng về các hệ quả, nếu không chắc chắn sẽ tạo ra một sự bất ổn.
Đồng quan điểm, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, thời gian qua việc quản lý thị trường tài chính – tiền tệ dường như vẫn đang theo cảm tính và rời rạc. Quan trọng hơn là chưa dứt khoát trong việc chọn điều hành theo cơ chế thị trường hay theo cơ chế hành chính. “Chính vì sự “nửa vời” ấy khiến tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế vẫn khó tiến những bước dài”- ông Kiêm nói.
Nhấn mạnh việc Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở nhận thức tư tưởng nói chung mà cần tiến tới có những chính sách, biện pháp thiết thực, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề xuất một số khía cạnh cấp bách và dài hơi trong chiến lược cải cách thị trường tài chính.
Trước tiên, Việt Nam nên định vị lại mối quan hệ giữa cơ cấu tài chính và phát triển kinh tế giữa ngân hàng với các thành tố khác trong cơ cấu tài chính nói riêng…"Ở một số nước đang phát triển, Chính phủ can thiệp sâu vào thị trường tài chính- ngân hàng. Đây được coi là sự lệch chuẩn của cơ cấu tài chính so với cơ cấu tối ưu. Chúng ta có nên cơ cấu lại mối quan hệ hành chính này không? Và nếu sửa thì sửa theo hướng nào?”, ông Khoan đặt câu hỏi.
Thứ nữa, cần rà soát lại xem còn những điều gì “lệch chuẩn” với thông lệ quốc tế và những cam kết quốc tế đã và sẽ chấp nhận, kể cả những luật chơi mới nảy sinh trong cuộc khủng hoảng gần đây, để từ đó có những quyết sách đúng hướng.
Trong khi quy mô của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam còn nhỏ so với các ngân hàng trong khu vực, thì 4 ngân hàng thương mại lớn đã chiếm 50% toàn bộ hệ thống ngân hàng. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách trong cấu trúc lại thị trường tài chính. “Cơ cấu như vậy là chưa hợp lý, nên khuyến khích sự chuyển dịch theo hướng nào, điều kiện cần có là gì chúng ta cần phải có hoạch định rõ ràng. Thị trường tín dụng đang chiếm vị trí thống lĩnh, còn các loại thị trường khác mới manh nha, còn yếu ớt thì giải quyết thế nào?”, ông Khoan nêu vấn đề.
Một yêu cầu cấp bách nữa cũng được Nguyên Phó Thủ tướng nêu ra tại hội thảo, đó là cái đích quốc tế hóa VNĐ. Vấn đề này có thể nói là nóng bỏng mà lâu nay hầu như không được đề cập tới trên các diễn đàn cũng như trên bàn nghị sự, trong khi Việt Nam lại sắp trở thành thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN./.