Tính đến nay, tổng số nguồn vốn ưu đãi mà Việt Nam đã nhận được thông qua các hiệp định tài trợ vốn vay là khoảng 17 tỷ USD. Tuy nhiên, mới đây, World Bank đã chính thức "rung chuông" cảnh báo, nguồn viện trợ ưu đãi này đang dần thu hẹp và sẽ sớm bị cắt giảm trong thời gian tới, chỉ duy trì trong vòng 3 năm nữa, từ 2014-2017. Như thế, Việt Nam sẽ phải chuyển sang tiếp nhận nguồn vốn kém ưu đãi hơn.
|
|
 |
...Chúng ta sẽ phải vay nguồn vốn thương mại nhiều hơn, chi phí có thể sẽ đắt đỏ hơn. Song, chúng ta sẽ được chủ động hơn trong cách làm... |
 |
|
TS. Võ Trí Thành
|
|
|
Trước đó, liên minh Châu Âu cũng công bố Sách Xanh 2013 thông báo vốn viện trợ không hoàn lại từ EU dành cho Việt Nam giảm 13% trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2013.
Rõ ràng, Việt Nam đang bị thu hẹp, giảm dần các khoản tài trợ và tăng dần vốn vay. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân cơ bản là do nước ta đã và đang bắt đầu trở thành nước có thu nhập trung bình. Đã đến lúc, Việt Nam sẽ phải dần tự đứng bằng đôi chân của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh thách thức phải đối mặt, đây cũng là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển bền vững hơn. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW cho biết: Chúng ta sẽ phải vay nguồn vốn thương mại nhiều hơn, chi phí có thể sẽ đắt đỏ hơn. Song, chúng ta sẽ được chủ động hơn trong cách làm. Và trong một chừng mực nào đó thì nền kinh tế sẽ minh bạch hơn, thị trường hơn, ít dựa dẫm hơn.
Nhìn trong dài hạn, không chỉ các chuyên gia kinh tế trong nước mà cả các chuyên gia nước ngoài đều khẳng định rằng, nguồn vốn ODA giảm không hẳn là điều đáng lo của Việt Nam. Ông Gabor Fluit, Chủ tịch, Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản, EuroCham, khẳng định: "Hầu hết các nước hiện nay đều đã xem Việt Nam như một đối tác trưởng thành và nguồn vốn ODA ưu đãi kia sẽ dần được chuyển hóa thành những hình thức khác. Ví dụ như các hiệp định thương mại song phương và đa phương như hiệp định FTA giữa Việt Nam – EU mà chúng tôi đang đàm phán hoặc hiệp định TPP mà Việt Nam đang đàm phán với Hoa Kỳ và các đối tác Thái Bình Dương khác…Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ vượt qua thách thức này và phát triển hơn nữa ngay cả khi không có nguồn tài trợ ODA".
TS. Võ Trí Thành cho biết thêm, trước đây trong Asean người ta thường xem Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar là 4 nước vào sau, phát triển chậm hơn nên được hỗ trợ. Nhưng gần đây Việt Nam dần phải rút khỏi nhóm 4 nước đó để chuyển sang một vị thế khác. Việt Nam có thể vẫn nhận hỗ trợ nhưng bên cạnh đó Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ và cùng hỗ trợ các nước khác qua những kinh nghiệm phát triển, qua những kinh nghiệm cải cách của mình.
“Đây vừa là lợi ích về dài hạn và cũng là một điều đáng tự hào cho Việt Nam, từ một nước chỉ nhận viện trợ ưu đãi chúng ta chuyển sang một nền kinh tế phát triển hơn”, ông Thành nhấn mạnh./.