Đó là nhận định của đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Cao Sỹ Kiêm khi trao đổi với phóng viên TBTCVN bên lề kỳ họp Quốc hội.
|
|
 |
Muốn có NS, thì phải có nền tảng,
phải tạo yếu tố để phát triển. Muốn có yếu tố phát triển thì phải đầu tư. Do
đó, những công trình đang dở dang, sắp hoàn thành phải tiếp tục đầu tư để đi
vào hoạt động. Bên cạnh đó, cần phải đầu tư những công trình quốc kế dân sinh
cho trước mắt và lâu dài, chứ không thể “bít” tất cả lại.
|
 |
|
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm
|
|
|
* Thưa ông, tình hình thu NSNN hiện đang “căng thẳng”. Nguyên nhân được chỉ ra khá nhiều, nhưng theo ông, căn nguyên của tình trạng này là gì?
- Năm nay tình hình NS khó khăn hơn nhiều các năm trước. Thực tế, NSNN đã luôn phải gánh một mức bội chi cao. Nhiều năm chúng ta phải vay ứng trước để chi tiêu kể cả ứng cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB).
Đến nay, số nợ XDCB đã lên tới 91 nghìn tỷ. Cộng thêm yếu tố tình hình sản xuất kinh doanh co lại, khả năng nộp NS của doanh nghiệp (DN) giảm đi.
Hơn thế nữa, chúng ta lại giãn, giảm, miễn thuế cho DN… là những yếu tố khiến tình hình thu NS những năm qua giảm. Hệ lụy này đã kéo dài sang cả năm nay và năm 2014. Tôi cho rằng tình hình NS sẽ vẫn còn khó khăn.
* Mặc dù thu ít, song nhu cầu đầu tư vẫn rất lớn, điều này khó tránh khỏi áp lực đối với NSNN. Như ông vừa nói, nợ XDCB lên tới 91 nghìn tỷ. Nhưng được biết, đó chỉ là số nợ của các địa phương và Chính phủ cũng đang quyết liệt đốc thúc việc trả nợ đối với lĩnh vực này, thưa ông?
- Đúng vậy, con số 91 nghìn tỷ nợ XDCB mới chỉ là của các địa phương, chứ Trung ương (TW) là chưa nói đến.
Nhưng tôi cũng phải nói rằng, số nợ đó có lỗi từ hai phía: một là, từ phía các địa phương không có cân đối NS. NS ở đây có phần TW bù, có phần địa phương tự túc. Trong khi chưa cân đối hợp lý, địa phương đã phát tín hiệu kế hoạch xây dựng.
Hai là, từ phía các nhà đầu tư, khi có tín hiệu phát ra, vì nhu cầu việc làm nên nhận phứa, đi vay tiền ứng trước để làm. Chính vì vậy, khi NS địa phương không có, không cân đối được, hoặc mới dự báo chứ không ghi trong kế hoạch, mà DN đã vội vay ngân hàng để đầu tư.
Khi DN không có tiền trả ngân hàng thì thành nợ xấu, nợ có hạn. Từ đó, DN sẽ bị co lại sản xuất kinh doanh. Những yếu tố này là nguyên nhân tác động mạnh đến ngân sách.
Tuy rằng, DN của địa phương, nhưng nó sẽ lan đến TW. Thực tế, mỗi địa phương nhiều lắm chỉ có từ 5-7 DN tự túc được vốn, có bội thu để nộp NS, còn lại hầu hết là trông chờ vốn NSTW rót về. Vốn của NSTW rót về đương nhiên chỉ xét trên những dự án được phê duyệt, còn lại địa phương tự lo trả.
Địa phương nếu phải trả hết các khoản nợ cùng lúc, khả năng có thể gây “vỡ” NS địa phương. Khi đó sẽ kéo sản xuất đình trệ, DN không có doanh thu và không nộp được NSNN.
* Chính vì vậy mà Chính phủ đã ban hành các chỉ thị, văn bản “gỡ khó” về thu NS, trong đó có tháo gỡ nợ XDCB. Ông đánh giá thế nào về những giải pháp của Chính phủ đã ban hành thời gian qua?
- Hệ thống giải pháp của Chính phủ đưa ra về định hướng là khá tốt. Nhưng giải pháp và những địa chỉ cụ thể, tôi cho là vẫn chưa có sức thuyết phục, chưa có khả năng tăng thu cao.
Chính phủ phải làm rõ được những dự án ở địa phương, dự án nào liên quan đến TW, dự án nào của địa phương do địa phương làm, dự án nào do DN xử lý thì phải cụ thể, rõ ràng. Hay những khoản cần tăng thu, những khoản có nguy cơ thất thu phải phân tích rõ, thất thu do nguyên nhân bất khả kháng, hay do quản lý lỏng lẻo.
Tiếp nữa là những khoản có thể thu thêm thì nó ở đâu? Ví dụ như bán cổ phần DN là bao nhiêu? Hay những khoản tiết kiệm được chi. Đơn cử, nâng bậc lương từ 4,9 lên 5,3 mà NS phải thêm những 21 nghìn tỷ; trong khi riêng những công ty của Nhà nước thưởng lương khủng tính ra cũng đã bao nhiêu nghìn tỷ.
Hay bao nhiêu đơn vị vượt chi NS cho những khoản mua sắm xe ô tô, xây dựng trụ sở. “Anh” nào vượt tiêu chuẩn số tiền là bao nhiêu thì phải công khai, minh bạch, thậm chí phải giải trình đối chất cho rõ các khoản chi là như thế nào, thì các giải pháp đó mới có sức thuyết phục.
* Để làm được những điều cụ thể như ông nói, có nghĩa là cần phải có hệ thống giám sát quy củ, chuyên nghiệp?
- Thực tế, bản thân ngành Tài chính không thể quản lý, giám sát tất cả mà cần có thông tin từ người dân và phải có sự giám sát từ dưới lên. Phải có những “kênh” đó thì cơ quan nhà nước mới tập hợp được số liệu chính xác được.
* Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ có đề xuất nâng trần bội chi lên mức 5,3% GDP. Quan điểm của ông như thế nào về đề xuất này?
- NSNN của chúng ta hiện nay có thể nói là rất “nguy nan”, như nợ cũ, tạm ứng từ NS để đầu tư (cả trung ương và địa phương) còn nhiều, trong khi thu NS thời gian tới là sẽ khó hơn. Ngay cả chi tiêu hành chính sự nghiệp thì cũng tiết kiệm ở mức độ nhất định, không thể hơn được nữa.
Vì vậy, muốn có NS, thì phải có nền tảng, phải tạo yếu tố để phát triển. Muốn có yếu tố phát triển thì phải đầu tư. Do đó, những công trình đang dở dang, sắp hoàn thành phải tiếp tục đầu tư để đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, cần phải đầu tư những công trình quốc kế dân sinh cho trước mắt và lâu dài, chứ không thể “bít” tất cả lại.
Sau khi đã thu, đã quản lý chi tiêu chặt chẽ… nếu không còn “lối thoát” thì cũng cần nâng trần bội chi lên.
Tôi băn khoăn là bao nhiêu năm chúng ta đã có “điểm sáng” nỗ lực rút được bội chi xuống ở mức 4,8% GDP là rất tích cực, đã theo xu hướng thị trường và là yếu tố làm cho nên kinh tế ổn định, bền vững hơn sau này. Nhưng đến bây giờ mình không giữ được, để tăng lên thì cũng đáng tiếc. Nhưng vì lợi ích lâu dài, và nếu không thực hiện nâng bội chi, thì sẽ khó phục hồi tháo gỡ khó khăn cho DN và phục hồi cho nhịp độ tăng trưởng một cách hợp lý.
* Xin cảm ơn ông!