Chính phủ đã kết luận như vậy trong Báo cáo Tình hình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
“Kết quả tái cơ cấu đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là biểu hiện rõ nét của những nỗ lực không tiếp tục theo mô hình tăng trưởng cũ; góp phần thúc đẩy việc chuyển sang mô hình tăng trưởng mới”, báo cáo của Chính phủ viết.
Theo báo cáo, việc thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ là khởi đầu của tái cơ cấu đầu tư công.
Trong mấy năm nay tỷ trọng đầu tư từ khu vực nhà nước trong tổng đầu tư xã hội đã giảm tương đối nhanh, từ mức 54,3% thời kỳ 1999-2000, xuống 51,8% thời kỳ 2001-2005, 38,7% thời kỳ 2005-2010, xuống còn 37,4% thời kỳ 2011-2012 và 37,1% trong 9 tháng đầu năm 2013.
Chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cũng đã giảm đáng kể, năm 2010 chiếm 8,5% GDP, năm 2012 còn 6% GDP, 4,71% GDP trong 9 tháng đầu năm 2013).
Song song với đó, Chính phủ cũng đã tiến hành rà soát, đánh giá và phân chia dự án đầu tư thành 3 loại, gồm các dự án đầu tư tiếp tục thực hiện và được ưu tiên phân bố vốn, dự án đầu tư tiếp tục thực hiện bằng cách huy động các nguồn vốn khác và dự án phải định hoãn. Từ đó, đã bước đầu điều chỉnh cơ cấu đầu tư, và vốn đầu tư đã được phân bố tập trung vào những dự án ưu tiên, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán đã tồn tại từ nhiều năm trước đây.
Các địa phương đã chủ động cắt giảm đầu tư công, lựa chọn dự án ưu tiên, tiến hành hoãn, giãn tiến độ các dự án khác theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Nhờ việc tập trung bố trí vốn cho các công trình hoàn thành năm 2012-2013, trên mỗi địa phương đã có hàng chục công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy tác dụng và hiệu quả vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Điển hình như Phú Yên, nhờ tập trung vốn đầu tư, nên đã có 20 công trình quan trọng trong các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo hoàn thành và dự kiến dựa vào sử dụng năm 2013.
Đáng chú ý, ý thức trách nhiệm của các Bộ, các địa phương trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhà nước và khắc phục đầu tư dàn trải đã được nâng cao. “Không còn tình trạng yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thi công khi chưa có nguồn vốn; không sử dụng vốn vay từ ngân sách địa phương để khởi công khi chưa xác định được nguồn trả nợ”, báo cáo viết.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị về xử lý nợ đọng. Đó là Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013. Các chỉ thị nói trên đã hướng dẫn chi tiết việc đánh giá thực trạng nợ đọng; đưa ra các giải pháp kiểm soát việc lập, thẩm định, phê duyệt, và kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.
Đồng thời yêu cầu kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian qua, đồng thời các cấp và cơ quan này phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. "Nhờ đó, nợ đọng xây dựng cơ bản đã được kiểm soát và đang từng bước được xử lý", báo cáo Chính phủ cho biết./.