|
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) phát biểu tại phiên họp ngày 2/11. Ảnh: TTXVN
|
Đại biểu chia sẻ khó khăn với ngành Tài chính
ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi): Nguồn thu chính đang khó khăn là do nhiều DN ngừng hoạt động, không phát sinh lãi, nợ đọng thuế tăng. Điều này không phải do công tác quản lý thuế yếu, mà là do DN quá khó khăn.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong công tác quản lý ngân sách, ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho rằng, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp hợp lý, cụ thể, luật quản lý thuế đã tạo ra rất nhiều thông thoáng cho DN. Tuy nhiên nguồn thu chính đang khó khăn là do nhiều DN ngừng hoạt động, không phát sinh lãi, nợ đọng thuế tăng. Điều này không phải do công tác quản lý thuế yếu, mà là do DN quá khó khăn.
Còn theo ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu), trong điều kiện khó khăn Chính phủ đã chủ động rà soát, kiên quyết cắt giảm những khoản chi chưa thật cần thiết lên đến trên 30.000 tỷ đồng. “Tuy nhiên, cân đối ngân sách vẫn rất khó khăn và tôi đồng tình với nguyên tắc xử lý các khoản thu mà Chính phủ đã trình…, đồng tình với việc điều chỉnh tăng bội chi của năm 2013 lên 5,3% để phản ánh đúng thực trạng cân đối NSNN”.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, đến thời điểm này, xét trên quy mô tổng thể, chưa bao giờ nền kinh tế và đất nước có một vị trí to lớn và tốt đẹp như hiện nay. Tuy nhiên, ngân sách vẫn bội chi cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân tích cực. Thứ nhất là do nỗ lực đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thứ hai là thực hiện chính sách xã hội, giảm phân hóa giàu nghèo, cách biệt nông thôn đô thị, các chương trình quốc gia…, “đây là những lý do tích cực không thể chối bỏ”, ĐB ghi nhận.
"Bộ máy phình ra, ngân sách nào chịu nổi?"
Tuy nhiên theo ĐB Trần Du Lịch, còn có các nguyên nhân cần phải khắc phục như phân bổ ngân sách, kiểm soát chi chưa chặt, mở rộng bộ máy hành chính quá lớn…. “Chúng ta đẻ ra quá nhiều ghế, mở rộng bộ máy phình ra, không ngân sách nào chịu nổi”, ĐB Trần Du Lịch nói.
Cho rằng cần phải nhận thức lại về mục đích chi, ĐB phân tích “chúng ta không nên vung tay quá trán trong việc xây dựng trụ sở, cơ quan. Phải nhận thức rằng việc chi cho xây dựng trụ sở, cơ quan, mua thiết bị văn phòng… là chi tiêu dùng, không phải chi đầu tư. Không phải cứ xây dựng cơ bản là đầu tư”.
|
|
 |
Chúng tôi nhận thức rằng, 80.000 cán bộ ngành Tài chính sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được nếu không có sự phối hợp, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như sự phối hợp chỉ đạo của các ngành, cấp trung ương. |
 |
 |
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng |
|
|
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, khoản có thể giảm chi ngay trước mắt là mua sắm trụ sở, khánh thành, khởi công, giảm biên chế bộ máy đang ngày càng phình ra, rút gọn, xem xét lại các chương trình mục tiêu quóc giá, tránh chồng chéo, lãng phí.
Còn ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) cũng chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Tài chính về những nhiệm vụ khó khăn, bức thiết trong công tác ngân sách năm nay, ĐB yêu cầu: “Mỗi luật ban hành ra thì lại làm bộ máy phình thêm và các điều kiện cũng tăng thêm, làm tăng chi tiêu ngân sách. Trong ban hành luật lần này, đề nghị Quốc hội hết sức xem xét không để phình ra bộ máy, khiến chi tiêu tăng nhiều”.
Hỗ trợ mạnh cho hoạt động chống chuyển giá
Tán thành với dự toán ngân sách năm 2014, ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề nghị một số chính sách để tăng thu cho các năm tới. Đặc biệt, ĐB nhấn mạnh việc tăng thu từ hành vi chuyển giá.
Đánh giá “đây là căn bệnh trầm kha hiện nay, làm sai lệch bức tranh kinh tế của đất nước, làm thất thu ngân sách nghiêm trọng, làm tài nguyên, tài sản bị đánh cắp, sức lao động của người lao động bị bóc lột, lòng tin của DN làm ăn chân chính bị xói mòn”.
ĐB Trần Quang Chiểu đề nghị coi hành vi chuyển giá, gửi giá là hành vi lừa đảo, gian lận, trốn thuế, đề nghị chế tài xử lý là thu vào ngân sách toàn bộ số tiền phát hiện được. Đồng thời, dành chi thỏa đáng cho việc chống chuyển giá, khen thưởng thích đáng cho tập thể, cá nhân ngành thuế, hải quan, thanh tra…
Ngành Tài chính cần sự phối hợp toàn diện
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2013 thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, các địa phương, đặc biệt là sự giám sát của Quốc hội, công tác thu ngân sách 2013 có những chuyển biến rất tích cực. “Tôi xin thay mặt ngành Tài chính, xin cảm ơn sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của ngành, các cấp, địa phương, đã tạo động lực to lớn cho các cán bộ ngành Tài chính quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng cũng chia sẻ về những thực tiễn, nguyên nhân và giải pháp cho công tác điều hành ngân sách năm 2013 và dự toán ngân sách năm 2014. Về nguyên nhân hụt thu 2013, Bộ trưởng cho biết ước thực hiện thu ngân sách năm 2013 hụt 63.600 tỷ đồng so với dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2013 xây dựng tăng 20% so với năm 2012 là quá cao so với khả năng của nền kinh tế. Trong khi năm 2013, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN cũng làm hụt thu NSNN. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch, hoạt động sản xuất, tiêu dùng còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc quản lý điều hành chưa hiệu quả nên một số đối tượng lợi dụng trốn lậu thuế.
Về nợ thuế và giải pháp xử lý, Bộ trưởng cho biết thời gian qua, ngành Tài chính đã tích cực hoàn thiện cơ chế, một số ngành, cấp đôn đốc công tác thu thuế, nhưng thực tế số nợ đọng thuế vẫn cao. Chính phủ đã nhận thức rõ tình hình và đang chỉ đạo ngành Tài chính triển khai các biện pháp quyết liệt để thu hồi nợ thuế, với sự vào cuộc tích cực của 63 địa phương cả nước.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, cấp ủy tiếp tục phối hợp tích cực với ngành Tài chính. “Chúng tôi nhận thức rằng, 80.000 cán bộ ngành Tài chính sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được nếu không có sự phối hợp, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như sự phối hợp chỉ đạo của các ngành, cấp trung ương. Mong trong thời gian tới có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, các ngành, các cấp để ngành Tài chính hoàn thành nhiệm vụ”.
|