Ngày 8/11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đã trình bày Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012.
NSNN hỗ trợ BHYT tăng nhanh
Theo đó, trong giai đoạn 2009-2012, tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,2% (2009) lên 66,8% (2012). Nhiều tỉnh cơ bản đã đạt được BHYT toàn dân như Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình… Đa số các tỉnh đạt gần 100% dân số tham gia BHYT là do mở rộng số đối tượng được ngân sách nhà nước (NSNN) cấp mua BHYT.
Báo cáo cho biết, trong giai đoạn này, NSNN hỗ trợ cho khoảng 70% số đối tượng tham gia BHYT, bình quân chiếm 42% so với tổng số thu BHYT (44.767 tỷ/107.225 tỷ đồng), chủ yếu hỗ trợ cho người có công, người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên, đối tượng bảo trợ xã hội.
Số tiền NSNN hỗ trợ tăng nhanh từ 4.537 tỷ đồng (2009) lên 16.937 tỷ đồng (2012), với tỷ lệ tương ứng so với tổng số thu BHYT các năm là 35%, 42% và 43%. Đây là kết quả thực hiện chủ trương thay đổi cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho khám chữa bệnh, chuyển chi ngân sách cho các bệnh viện sang hỗ trợ trực tiếp người dân.
Phần ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng tham gia BHYT so với tổng số chi thường xuyên cho y tế hàng năm đã tăng từ 27% (2009) lên 33% (2012). Năm 2012, NSNN chi thường xuyên cho các bệnh viện trong cả nước 17.821 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng chi cho y tế.
|
Ủy viên UBTVQH Trương Thị Mai trình bày tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
|
Tỉnh nghèo kết dư nhiều, tỉnh giàu lại bội chi
Về thu chi BHYT, số tiền thu BHYT tăng nhanh qua các năm, từ 13.037 tỷ đồng (2009) đã lên đến 40.237 tỷ đồng (2012). Số chi BHYT cũng tăng qua các năm, từ 15.481 tỷ đồng (2009) đến 35.584 tỷ đồng (2012). Quỹ BHYT từ chỗ lũy kế bội chi đến năm 2009 là 3.083 tỷ đồng đã cân đối và có kết dư, lũy kế đến năm 2012 kết dư 12.892 tỷ đồng.
Theo báo cáo, việc kết dư quỹ là do sau khi Luật BHYT có hiệu lực, đối tượng được ngân sách hỗ trợ tham gia BHYT được mở rộng, mức đóng BHYT tăng từ 3% lên 4,5%, cùng với lương tối thiểu tăng nhiều lần trong những năm qua trong khi viện phí hầu như không thay đổi, đồng thời công tác quản lý quỹ BHYT cũng ngày càng tốt hơn.
Một số tỉnh miền núi và Tây Nguyên có số kết dư quỹ BHYT khá cao, có tỉnh kết dư hàng trăm tỷ đồng, đây là địa bàn gần đạt 100% dân số có BHYT. Tuy nhiên, do dân cư phân tán, giao thông khó khăn, xa bệnh viện, ít kỹ thuật y tế hiện đại nên người dân dù có bệnh cũng ít tiếp cận dịch vụ y tế dẫn đến quỹ BHYT kết dư lớn.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỉnh bội chi quỹ BHYT, đa số ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có tỉnh bội chi liên tục quỹ BHYT và thường xuyên nhận hỗ trợ từ quỹ dự phòng trung ương. Báo cáo nhận định đây là điều không hợp lý khi tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn lại nhận trợ cấp cho việc thâm hụt quỹ BHYT của mình từ việc điều tiết kết dư của các tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Băn khoăn xử lý kết dư BHYT
Đối với phần kết dư quỹ BHYT, do Luật và văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về thủ tục lập quỹ dự phòng hay chia số quỹ kết dư trước nên quá trình thực hiện còn vướng mắc. Đến nay, số kết dư quỹ BHYT gần 13.000 tỷ đồng chưa được phân bổ cho các tỉnh có quỹ kết dư, gây thắc mắc với các địa phương có kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Trước thực trạng trên, có ý kiến cho rằng nếu quỹ kết dư nhiều thì nên giảm số tiền NSNN mua BHYT. Tuy nhiên, theo UBTVQH, số kết dư cần được đầu tư trở lại cho tỉnh để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật y tế, đầu tư phương tiện vận chuyển bệnh nhân phù hợp với điều kiện sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa để người dân được hưởng lợi một cách công bằng từ chính sách của Nhà nước.
Báo cáo cũng nêu ra những tồn tại hạn chế trong việc thực hiện chính sách BHYT. Theo kết quả giám định BHYT cho thấy, có tình trạng lạm dụng BHYT cả về phía cán bộ y tế cũng như người có thẻ BHYT.
Những vi phạm phổ biến là lạm dụng xét nghiệm, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, kê đơn thuốc ngoài danh mục cho phép, kê khống tiền thuốc, bệnh nhân nằm ghép nhưng vẫn thanh toán mỗi người/1 giường bệnh, lập hồ sơ bệnh án khống (như làm giả kết quả xét nghiệm), sử dụng chung xét nghiệm ở một số bệnh viện để thanh toán với quỹ BHYT; có nơi, cán bộ y tế ở bệnh viện sử dụng thẻ BHYT của người thân để làm thủ tục lấy thuốc ở bệnh viện; người có thẻ BHYT lạm dụng thông qua việc cho mượn thẻ, đi khám nhiều nơi trong ngày, cho thuê thẻ BHYT và thuê người bị bệnh mạn tính đi KCB để lấy thuốc…
Theo kiểm tra của BHXH Việt Nam, có trường hợp thẻ BHYT ở tỉnh Đồng Nai được sử dụng 157 lần khám chữa bệnh trong năm.
|