(TBTCO) - “Bao nhiêu năm không thông qua được, vì minh bạch thì mất nhiều lắm, giá của minh bạch rất cao. Đến hôm nay được tất cả đồng thuận, tôi rất vui mừng”. Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với các ĐB chiều ngày 18/11 về Luật Đầu tư công (ĐTC).
Lãng phí lớn nhất là từ chủ trương đầu tư
Khẳng định với các ĐB không có sự chồng chéo trong Luật ĐTC, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Luật ĐTC ra đời vì cần có một luật riêng để hướng dẫn toàn bộ quá trình từ chủ trương đầu tư cho đến thực hiện. Mặc dù đã có các quy định nằm rải rác ở các Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư…, nhưng thực chất không có luật nào hoàn chỉnh về đầu tư công. Luật ĐTC sẽ bao gồm rất nhiều nguồn lực đang nằm ngoài ngân sách như trái phiếu chính phủ, vốn ODA, vốn vay tín dụng của nhà nước, vốn đối tác công tư...
Trả lời băn khoăn của các ĐB về quy định chặt chẽ trong Luật có thể gây khó khăn trong việc thẩm định, bố trí vốn ở địa phương, Bộ trưởng cho hay, cần phải có nhận thức mới, dù rằng những quy định không hẳn mới.
Nhắc lại thời gian công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói “Thời đó, năm 1985 – 1987, không có chuyện phê duyệt bừa bãi như hiện nay. Làm rất ít công trình, nhưng công trình nào ra công trình đó, có bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho các địa phương và các bộ. Bây giờ không có chuyện này, không cần chuẩn bị đầu tư, cứ nghĩ ra là làm thôi”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ trưởng nói: “Để làm một ngôi nhà, các cụ nói “Ba năm chuẩn bị, một năm làm nhà”. Vậy mà giờ chúng ta rất đơn giản, chỉ cần ý chí của một lãnh đạo địa phương và một lãnh đạo đâu đó là quyết làm. Trong khi làm ra thì lãng phí. Đường làm xong không ai đi, chợ làm xong không ai họp… Vì có chuẩn bị đầu tư, đánh giá nghiên cứu gì đâu ?”
Bộ trưởng Bùi Quanh Vinh: "Nếu còn dễ dãi, chúng ta sẽ đưa đất nước đến bờ vực thẳm". Ảnh: H.Y
Bức xúc trước tình trạng đầu tư tràn lan, Bộ trưởng cho rằng, "chủ trương đầu tư quá dễ dãi, có những đại lộ hoành tráng, những tượng đài nghìn tỷ giữa đồng không mông quạnh, chuyện nghe như cổ tích mà đang có thật ở Việt Nam… Chúng tôi áp lực, bức xúc vô cùng”.
Bộ trưởng tâm đắc với một ý kiến của ĐB Quốc hội rằng lãng phí khâu chủ trương đầu tư 5, 10 tỷ, hay trăm tỷ đồng thì không ai nói gì trong khi thất thoát 1 tỷ đồng đã vào tù. “Vì vậy, lãng phí trong chủ trương đầu tư là lãng phí lớn nhất trong tất cả các lãng phí”.
Chính vì thế, nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ khắc phục những tồn tại, sự vung tay quá trán của những nhiệm kỳ trước. Hơn lúc nào hết, "nếu còn dễ dãi, chúng ta sẽ đưa đất nước đến bờ vực thẳm", Bộ trưởng nói.
Chấm dứt tình trạng ăn đong, chạy chọt
Với Luật ĐTC, bắt đầu từ năm sau, Chính phủ sẽ trình Quốc hội kế hoạch cho 5 năm tới, Việt Nam có bao nhiêu tiền để đầu tư phát triển, chia cho các địa phương, bộ ngành ra sao. Trên cơ sở đó, các bộ, các địa phương lựa chọn công trình, báo cáo và có toàn quyền để lựa chọn các công trình cho hiệu quả nhất. Con số sẽ tính toán ở mức thấp để dù có hụt thu vẫn đủ tiền để làm, số dư ra sẽ bổ sung cho những phát sinh trong quá trình 5 năm. Khi đó, ngân sách sẽ hoàn toàn chủ động được, không còn tình trạng vượt mức đầu tư, nợ đọng xây dựng cơ bản.
Một điểm mới nữa là đưa việc thẩm định vốn vào luật, thay vì mới ở chỉ thị 1792, hoặc không có thẩm định như trước đây. Luật mới sẽ chấm dứt tình trạng ăn đong từng năm, vốn khiến các dự án làm ăn mà không biết có tiền hay không, “chỉ trông cậy vào sự chạy chọt”, Bộ trưởng cho biết.
Người đứng đầu ngành KHĐT cũng cho biết việc đưa kế hoạch đầu tư trung hạn vào Luật là nỗ lực lớn của Bộ KHĐT dù có ý kiến cho rằng “như vậy là Bộ tự lấy đá ghè chân mình”. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định đất nước này cần sự minh bạch, cần không có tiêu cực tham nhũng. “Bao nhiêu năm không thông qua được, vì minh bạch mất nhiều lắm, giá của minh bạch rất cao, rất khó khăn. Đến hôm nay được tất cả đồng thuận là tôi rất vui mừng”.
Bộ trưởng Vinh bày tỏ: "Tôi tin rằng Quốc hội rất sáng suốt vì Quốc hội đại diện cho 90 triệu dân Việt Nam” và đề nghị các ĐB không đặt vấn đề địa phương mà đặt vai trò là công dân Việt Nam yêu cầu Chính phủ, địa phương, các bộ ngành, phải sử dụng đồng vốn, tiền thuế của dân sao cho hiệu quả nhất, chống dàn trải nhất trong đầu tư./.