Hội nghị có 120 đại biểu là các đại sứ, quan chức cấp cao của thành viên Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), cùng đại diện của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ tại Việt Nam.
Hội nghị có 4 phiên họp toàn thể, tập trung thảo luận về giảm thiểu rủi ro thiên tai và chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, gắn kết nghiên cứu, chính sách và thực tiễn, sáng tạo trong việc xây dựng năng lực phục hồi và tăng cường hợp tác Á - Âu trong ứng phó thiên tai.
 |
Hội nghị có sự tham gia của 120 đại biểu thế giới. Ảnh: Ngô Trần
|
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, là một quốc gia nông nghiệp thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và cam kết mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Việt Nam đã và đang triển khai Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Quốc hội Việt Nam cũng vừa thông qua “Luật phòng chống thiên tai” vào tháng 6/2013.
"Trong thế giới toàn cầu hóa, thiên tai không chỉ làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp tại một địa phương hay một quốc gia mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hội nghị lần này là một trong những diễn đàn quan trọng của liên khu vực Á – Âu, với sự tham gia của các thành viên ASEM hoàn toàn có khả năng và có trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung trong ứng phó thiên tai”, Phó Thủ tướng cho biết.
Đại diện đến từ Văn phòng Phát triển nguồn nước thuộc Chính phủ Hà Lan, ông Tom Kompier cũng cho rằng, việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai luôn nằm trong chương trình nghị sự của nhiều quốc gia. Rủi ro thiên tai đã ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của người dân. Các quốc gia cần phải phối hợp với nhau, liên kết chặt chẽ để các bên liên quan cùng hỗ trợ một cách hiệu quả nhất và tránh đầu tư quá mức vào những lĩnh vực không hiệu quả, có nguy cơ sẽ có tác dụng ngược lại./.