DN đưa quà để giải quyết công việc
Trong khi Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nỗ lực cải cách hành chính, đẩy lùi tham ô, nhũng nhiễu thì kết quả khảo sát mới đây của Thanh tra Chính phủ và WB lại cho nhiều kết quả đáng lo.
Các DN không thấy có cải thiện gì về hành vi tham nhũng của công chức. 63% DN cho rằng công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, 58% nói công chức không hướng dẫn cụ thể thủ tục nhưng cố tình bắt lỗi DN để từ chối giải quyết và 28% cho là công chức bám vào các quy định không chặt chẽ, không rõ ràng để bắt bí DN.
Để xử lý những khó khăn do các cơ quan Nhà nước gây ra, có 51% DN nhờ người có ảnh hưởng tác động để giải quyết, 59% DN chọn cách đưa quà hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền giải quyết công việc. Chỉ có 13% DN tìm đến các cơ quan bảo vệ pháp luật.
|
Nhiều DN đưa quà cho công chức Nhà nước để giải quyết công việc. Ảnh: Vetq.vn |
Vì sao DN chọn cách đưa tiền ngoài quy định cho công chức để giải quyết công việc? 32% DN có chi trả chi phí ngoài quy định cho rằng đây là cách nhanh nhất và dễ thực hiện nhất để được việc. Khoảng 26% tin rằng chi phí ngoài quy định rất nhỏ so với lợi ích mang lại khi công việc được giải quyết và các DN khác cũng làm như vậy. 18% DN tin rằng nếu không có những khoản chi trả ngoài quy định như thế thì không giải quyết được công việc.
Đứng từ cách nhìn ngắn hạn của DN, trả chi phí không chính thức mang lại nhiều lợi ích hơn cho DN so với việc không trả chi phí.
Tuy nhiên theo đánh giá của WB, việc một số DN coi tham nhũng mang lại một số lợi ích không có nghĩa tham nhũng là hiệu quả, vì tham nhũng có thể làm đạo đức xuống cấp và khiến nhiều hệ thống hành chính về bản chất trở nên bất công.
Thực tế cho thấy, cơ quan nào có xu hướng hay gây khó khăn cho DN nhất thì nhìn chung đó cũng là cơ quan mà DN phải trả các chi phí không chính thức một cách thường xuyên nhất. Điều này có nghĩa cơ quan nhà nước nào hay chủ động gây khó khăn cho các DN thì cơ hội để tham nhũng sẽ tăng lên.
Trong số các ngành được khảo sát, quản lý thị trường đứng đầu trong danh sách các cơ quan đòi phí ngoài quy định, thứ hai là cảnh sát giao thông, sau đó đến công an kinh tế, quản lý tài nguyên và môi trường, xây dựng.
Phòng chống tham nhũng còn thiếu hiệu quả
Đánh giá về thực trạng chống tham nhũng hiện nay, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, các quy định hiện nay vẫn chưa đủ để có thể ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những hành vi tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động kinh doanh.
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, chỉ số nhận thức tham nhũng 2012 của Việt Nam đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực tế, sự thiếu hiệu quả trong phòng chống tham nhũng của Việt Nam là điều không lạ với các cơ quan trong nước, và tổ chức của thế giới.
Khảo sát của WB về tiến triển trong việc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, hơn 90% người được hỏi cho rằng, đối tượng tham nhũng chưa phải chịu những hình phạt thích đáng. 80% cho là chưa có sự chú trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ, và 76-82% cho rằng các biện pháp PCTN còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Làm thế nào để phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả đang là vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay.
Phát biểu tại "Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 12", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta cần nhận thức rõ là phải có cơ chế, chính sách hệ thống pháp luật chặt chẽ, minh bạch để hành vi tham nhũng khó có thể phát sinh và tồn tại. Đây là việc đòi hỏi các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần tập trung tham mưu, đề xuất với Chính phủ để ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật về phòng chổng tham nhũng nhằm hạn chế tối đa các kẽ hở, tạo môi trường cho tham nhũng./.