Liên tiếp các vụ việc xảy ra
Chiều qua, 26/11, phòng khám Thăng Long tại Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội đã bị tước giấy phép hoạt động vì quảng cáo và thực hiện quá phạm vi chuyên môn cho phép khiến một bệnh nhân suýt tử vong khi phẫu thuật cắt trĩ tại đây.
Trước đó, ngày 23/11, tại huyện Thường Tín đã xảy ra sự việc cháu bé 16 tháng tuổi tử vong sau khi tiêm tại phòng khám Hương Sơn của bác sĩ Phạm Anh Sơn - Trưởng khoa Nhi, BV Đa khoa huyện Thường Tín.
Khi mà sự việc gây chết người và vứt xác phi tang của Thẩm Mỹ Viện Cát Tường vẫn chưa nguôi ngoai và chưa có hồi kết, cộng thêm hai sự việc nghiêm trọng nêu trên đã khiến dư luận bất bình về chất lượng thực sự của các phòng khám tư nhân cũng như buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đối với lĩnh vực này.
Bao giờ hết cảnh "đuổi" theo vi phạm để "chữa cháy"?
Điều đáng nói là, các phòng khám này hoặc là chưa được cấp phép chính thức (Thẩm mĩ viện Cát Tường) hoặc đã từng bị đình chỉ hoạt động (Phòng khám Hương Sơn), từng bị xử phạt (Phòng khám Thăng Long).
Hiện nay, cả nước có trên 30.000 cơ sở y tế tư nhân, thử hỏi nếu ngành y tế không có một biện pháp quản lý nghiêm ngặt thì sẽ còn bao nhiêu vụ việc thương tâm nữa sẽ xảy ra? Trong nỗi bức xúc và thất vọng đối với ngành được ví với từ mẫu, không ít người còn đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng. Phải chăng chính sự lỏng lẻo đó đã gây nên những hệ lụy đáng tiếc cho người dân?
Trên thực tế, cứ sau mỗi vụ việc được báo chí phản ánh thì lãnh đạo ngành y tế lại đuổi theo vi phạm để "chữa cháy", rồi hứa xử lý nghiêm. Và sau đó, Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội thảo, ra công văn yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh. Ấy vậy mà chỉ sau vụ Thẩm mĩ viện Cát Tường vẫn liên tiếp xảy ra hai vụ việc phòng khám tư nhân gây chết người ở Thường Tín và Gia Lâm.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư Quy định về thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề, cơ sở khám chữa bệnh áp dụng từ ngày 15/12.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng thông báo từ ngày 1/1/2014, các cơ sở hành nghề chưa có giấy phép hoạt động theo quy định tại Luật khám, chữa bệnh sẽ không được tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề không chỉ nằm ở các văn bản bằng giấy, nếu chất lượng thanh tra, kiểm tra và vai trò của cơ quan quản lý còn mờ nhạt như hiện nay thì chắc chắn những câu chuyện đau lòng tại các phòng khám tư sẽ chưa dừng lại./.