Sẽ tiếp thu, nghiên cứu những ý kiến còn khác nhau
Như vậy, sau gần 11 tháng (2/1/2013) tiếp thu ý kiến của các ĐB Quốc hội và ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã được hoàn thiện và thông qua, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử lập hiến.
Báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi được Quốc hội thông qua lần này là bản Dự thảo được chuẩn bị công phu, tâm huyết, khoa học; là kết quả quá trình làm việc nghiêm túc, cần mẫn và tâm huyết của các ĐB Quốc hội, của các tầng lớp nhân dân. Dự thảo đã thể hiện được tinh thần đổi mới; thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, ý Đảng hợp với lòng dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong một số bộ phận, một số người và ngay cả một số đại biểu Quốc hội còn có những ý kiến khác về một số điều, khoản trong Dự thảo. Những ý kiến còn khác so với Dự thảo đều sẽ được Quốc hội hết sức trân trọng, tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Không cần thiết quy định cụ thể về kinh tế nhà nước
Trước khi tiến hành biểu quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Dự thảo Hiến pháp.
Theo báo cáo, đa số ý kiến tán thành với quy định về kinh tế thị trường định hướng XHCN và các thành phần kinh tế tại Điều 51 của Dự thảo.
Trước ý kiến đề nghị bỏ quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” hoặc quy định cụ thể nội hàm của kinh tế nhà nước, Ủy ban DTSĐHP cho rằng việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quy định như vậy không ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế khác.
Mặt khác, kinh tế nhà nước là một phạm trù rộng, bao gồm nhiều yếu tố, nguồn lực, trong đó DNNN chỉ là một trong nhiều yếu tố đó. Do vậy, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, không cần thiết phải quy định chi tiết về kinh tế nhà nước trong Dự thảo. Việc xác định nội hàm kinh tế nhà nước sẽ được cụ thể trong các đạo luật liên quan.
|
Kết quả biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp. Ảnh: H.Y
|
Về việc thu hồi đất tại Điều 54, đa số ý kiến đồng ý với quy định tại Điều 54 của Dự thảo. Đồng thời, có ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn yêu cầu Nhà nước chỉ thu hồi đất cho việc phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ý kiến của Ủy ban DTSĐHP cho rằng, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội và thể hiện lại cho gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng tại khoản 3 Điều 54 của Dự thảo.
Làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước
Tiếp thu ý kiến đóng góp về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước quy định tại Điều 88, Dự thảo đã làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và quy định mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp. Dự thảo nêu rõ Chủ tịch có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Đồng thời, Dự thảo đã làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong việc quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…; cùng với đó là bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch quyết định việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Sau báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý đã trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp.
Sau khi thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp, Quốc hội đã tiếp tục biểu quyết, thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp với tỷ lệ 98,59% ĐB tán thành.
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2014, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Theo Nghị quyết của Quốc hội, các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp sửa đổi./.