Kỳ họp đặc biệt quan trọng
Chiều 29/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc. Đây là một kỳ họp dài với chương trình nghị sự thông qua nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với đất nước.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng. Cùng với Hiến pháp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 8 luật và cho ý kiến về 10 dự án luật khác, trong đó việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động lớn đến mọi mặt của kinh tế xã hội, thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau kỳ họp, Chính phủ, các ngành, các cấp cần khẩn trương tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để pháp luật sớm đi vào cuộc sống.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nhiều vấn đề quan trọng về nhân sự như bầu bổ sung một số chức danh các cơ quan của Quốc hội, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ.
Sau khi bế mạc kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc và Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng.
Không có chuyện mỗi ngày họp Quốc hội tốn 1 tỷ đồng
Tại buổi họp báo, nhiều ý kiến phóng viên (PV) băn khoăn về việc Luật Đất đai sửa đổi dù đã bổ sung điểm là thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích lợi ích quốc gia và công cộng nhưng quy định vẫn chưa cụ thể. Dự án thu hồi được thể hiện trong Luật Đất đai vẫn rất rộng, làm hẹp đi không gian cho thị trường phát triển...
Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, trên cơ sở Hiến pháp vừa được thông qua, dự thảo đã sửa lại điều 62 về thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia và công cộng để phù hợp với Hiến pháp. Nội dung thu hồi đất đã được làm rõ với 3 nội dung là theo thẩm quyền của Quốc hội, của Chính phủ, của HĐND các tỉnh, làm rõ về các loại dự án. Vì thế, Bộ trưởng khẳng định vấn đề thu hồi đất sẽ chặt chẽ hơn, khắc phục được những bức xúc về thu hồi đất những năm qua.
Trả lời câu hỏi của PV hãng tin nước ngoài về việc Luật Đất đai sửa đổi vừa thông qua có những điểm mới nào đối với nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, trong luật mới sửa đổi, nhà đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất để đầu tư, làm nhà ở, để bán, cho thuê. Quy định này khác với Luật hiện hành là chỉ cho thuê. Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư khác, nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền hàng năm. "Đây là những điểm mới của Luật lần này nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước", Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.
Về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, PV dẫn ý kiến ĐB cho rằng có thể cắt giảm chương trình kỳ họp 5 – 6 ngày, và mỗi ngày họp chi phí có thể tốn tới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: "Thông tin cho rằng mỗi ngày họp tốn 1 tỷ đồng là không có cơ sở. Bên cạnh đó, chương trình mỗi kỳ họp phải qua rất nhiều quy trình căn cứ vào các nội quy kỳ họp, đã quy định chặt chẽ từng bước, không thể bỏ qua. Kỳ họp này dài hơn các kỳ trước do liên quan đến nhân sự, bắt buộc phải làm đúng quy trình".
Chất lượng chất vấn sẽ được cải thiện
Trước câu hỏi về việc nhiều ĐB có ý kiến về quá trình lựa chọn danh sách Bộ trưởng để chất vấn, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nguyên tắc chọn chất vấn theo thứ tự ưu tiên là chọn Bộ trưởng nào có nhiều câu hỏi gửi chất vấn nhất, chọn những vấn đề gây bức xúc, cử tri quan tâm và chọn những Bộ trưởng chưa trả lời chất vấn lần nào, sau đó báo cáo để Quốc hội chọn. Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cũng giải thích thêm về việc Bộ trưởng Bộ Y tế chưa trả lời chất vấn là do có số câu hỏi chất vấn ít hơn nhiều các Bộ trưởng khác.
Đối với ý kiến đánh giá thời gian chất vấn Thủ tướng còn ngắn, thường chỉ từ 20 – 60 phút, không đủ để trả lời các câu hỏi, và đề xuất Quốc hội có thể kéo dài thời gian ngày làm việc nếu cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là đề xuất đáng suy nghĩ. Tuy nhiên Phó Chủ tịch cũng nhắc lại, tại phiên chất vấn vừa qua, Thủ tướng đã thay mặt ĐB báo cáo với cử tri về những vấn đề liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội, làm rõ hơn các vấn đề mà các Bộ trưởng đã trả lời nhưng chưa đầy đủ. Quan trọng hơn, Thủ tướng có hứa trước cử tri là sẽ trả lời hết các câu hỏi của cử tri gửi đến trong phiên chất vấn, bằng văn bản hoặc trực tiếp.
Phó Chủ tịch cũng cho biết, tới đây khi sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, nội quy kỳ họp Quốc hội, tất cả những vấn đề này sẽ được nghiên cứu cải tiến, để nâng cao chất lượng chất vấn./.