Theo báo cáo, cân đối thu chi ngân sách vẫn còn khó khăn. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng nguy cơ tăng trở lại vẫn còn do chưa thực hiện cải cách tiền lương, chưa thực hiện được một số loại giá (than, điện, y tế, giáo dục..) theo thị trường; tốc độ CPI vẫn cao hơn tốc độ tăng GDP; biên độ dao động lạm phát giữa các năm rất lớn chứng tỏ tính ổn định chưa cao.
 |
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Ảnh:ĐT
|
Những nguy cơ rủi ro trong hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều tiềm ẩn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay, xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản còn chậm và khả năng còn phải kéo dài. Dư nợ tín dụng tăng thấp, bình quân 2011 - 2013 khoảng 11,7%/năm, thấp hơn nhiều so với 3 năm trước.
Hàng tồn kho còn cao, thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi sớm. Các hạn chế nội tại của doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa được khắc phục hiệu quả. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp và chưa được cải thiện nhiều. Các cân đối kinh tế vĩ mô (cân đối ngân sách, tích lũy – tiêu dùng, cán cân thanh toán quốc tế…) chưa thật bền vững.
Việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP theo giá thực tế đã giảm từ 33,3% năm 2011 xuống 30,5% năm 2012 và dự kiến khoảng 29,1% năm 2013, thấp hơn so với chỉ tiêu mà Quốc hội đã điều chỉnh là 33,5-35%.
Trong bối cảnh sự tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư, trong thời gian trước mắt, nếu không có các giải pháp đột phá về thể chế thì việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài sẽ rất khó khăn, tốc độ tăng trưởng sẽ không tăng lên được.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 3 năm 2011 – 2013 tuy thể hiện sự cố gắng lớn nhưng nếu vẫn duy trì tốc độ này thì khó đạt được so với mục tiêu kế hoạch tăng trưởng GDP của giai đoạn 2011 – 2015. Việc chủ động điều chỉnh mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, dẫn đến phải điều chỉnh đầu tư, thắt chặt tín dụng, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP giảm, nên tuy đã đạt được mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhưng tăng trưởng kinh tế thấp sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến việc tụt hậu ngày càng xa của Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực.
Bên cạnh đó, có một số chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch lại là những chỉ tiêu quan trọng phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn, tỷ lệ bội chi ngân sách còn rất cao, thị trường vốn chưa phát triển, vốn đầu tư cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại. Tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng chậm lại./.