Vốn cho đầu tư công: Địa phương nào cũng "khát"
Báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đề cập chủ yếu đến những khó khăn về vốn của thành phố này. Ông Chiến cho biết, đến nay phần vốn còn thiếu đối với các công trình xây dựng cơ bản đã được chấp thuận là 2.400 tỷ đồng. Vì vậy, TP Đà Nẵng mong muốn được Chính phủ bố trí nốt phần vốn này để giảm nợ XDCB. Lãnh đạo tỉnh Đà Nẵng cũng đề nghị năm 2014, Chính phủ tiếp tục cho phép thành phố phát hành trái phiếu để thanh toán nợ XDCB.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hồng Quân cho biết dự kiến 2, 3 năm tới, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, vì vậy báo cáo Chính phủ để có giải pháp chuẩn bị trước, tránh hiện tượng tắc nghẽn, không bố trí kịp thời. Đồng tình với ý kiến này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị cần sớm triển khai ngay sân bay Long Thành, trước mắt là một số hạng mục cơ bản.
Lãnh đạo TP Hải Phòng cũng trình bày về việc cơ sở hạ tầng sân bay Cát Bi rất yếu kém, hành khách tăng khiến sân bay quá tải. Hải Phòng đề Chính phủ và các bộ, ngành giúp Hải Phòng tháo gỡ khó khăn về vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo nâng cấp sân bay này.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ sớm triển khai xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Thổ, hỗ trợ Lào Cai xây dựng đường cao tốc kết nối Lào Cai – SaPa, xây dựng đường vận chuyển quặng, khoáng sản….
Đề cập đến khó khăn khi thu xếp vốn đối ứng ODA, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá cho biết, đây là một vấn đề lớn với những tỉnh khó khăn như Thanh Hoá, nợ ngân sách trung ương phải hỗ trợ đến 2/3. “Nhiều dự án phải cam kết vốn đối ứng 15 – 20%. Chúng tôi ko biết cân đối ở đâu để có vốn này. Khi được yêu cầu ký cam kết, tỉnh nào cũng ký, vì không ký thì mất ODA”, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết.
Thống nhất quy định về thu hồi đất
Là một tỉnh có nhiều dự án đầu tư FDI lớn, tại cuộc họp, lãnh đạo Thái Nguyên báo cáo về những kinh nghiệm của tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn để thu hút nhà đầu tư cũng như những vướng mắc mà tỉnh cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ mới giải quyết được.
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh cho biết Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định khi đã thu hồi 80 -90% mặt bằng, thì chính quyền địa phương có quyền cưỡng chế, thu hồi đất. Tuy nhiên, Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định chỉ khi người dân nhận tiền bồi thường mà không giao đất thì mới được cưỡng chế. Sự khác nhau này dẫn đến việc thu hồi đất cho các dự án lớn gặp nhiều khó khăn, có khi chỉ còn 5,7 hộ dân nhưng cũng không thể hoàn thành giao đất.
Vì thế, Thái Nguyên đề xuất Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai vừa được thông qua. Có quy định rõ hơn về việc thu hồi đất trong trường hợp người dân không hợp tác.
Cùng với Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng đề nghị Chính phủ xem xét diện tích đất lúa chuyển đổi mục đích sử dụng phải trình lên trung ương phê quyệt, theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương, tạo thuận lợi cho địa phương thu hút FDI.
Một vấn đề khác nữa được đề cập là nhiều lãnh đạo địa phương như Tây Ninh, TP.HCM… cũng bày tỏ sự lúng túng trước các thoả thuận hội nhập quốc tế ngày một nhiều.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, cho biết :”Nhiều chủ trương rất mới nhưng nhiều lãnh đạo địa phương cũng như DN còn rất lúng túng, chưa hiểu hết lộ trình cũng như nhóm giải pháp cần tập trung. Đề nghị năm 2014, Chính phủ, các bộ ngành hỗ trợ để các địa phương, DN hiểu được những vấn đề cốt lõi trong các chủ trương hội nhập”.
Ngày 24/12, Hội nghị sẽ tiếp tục họp với nội dung nghe báo cáo của các địa phương và thông qua Nghị quyết về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách 2014. Thủ tướng Chính phu Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu kết luận cuộc họp./.