Có nên bắt buộc BHYT toàn dân?
Tại phiên thảo luận, quy định bắt buộc hay không bắt buộc tham gia BHYT đang là vấn đề có những ý kiến khác nhau. Một số ý kiến đại biểu nhất trí giữ như quy định của Luật BHYT hiện hành quy định mọi đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT”, song cũng có một số ý kiến đề nghị quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc. Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội, nên tiếp tục kế thừa quy định của Luật BHYT hiện hành để phù hợp với thực tế và đảm bảo khả thi. Hơn nữa, rất khó để quy định về chế tài xử lý với người không tham gia BHYT bắt buộc.
Trong khi đó, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục quy định bắt buộc toàn dân phải tham gia BHYT với quan điểm, việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng có “trách nhiệm” tham gia BHYT theo Luật hiện hành chưa cao. Nhà nước đã sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT để thúc đẩy tham gia BHYT xã hội bắt buộc. Nếu không quy định bắt buộc thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia và như vậy, không giải quyết được tình trạng “lựa chọn ngược” chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT, ảnh hưởng đến tính bền vững của BHYT.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc sửa đổi mặc dù cần thận trọng nhưng cũng cần tạo ra đột phá, tăng chất lượng khám chữa bệnh, giảm khó khăn cho ngân sách. Vì thế, “phải mạnh dạn quy định BHYT bắt buộc toàn dân, chứ không nên chỉ một bộ phận tham gia như hiện nay, rồi trông chờ vào ngân sách thì không nên”.
Quản lý chặt chẽ việc sử dụng quỹ BHYT
Một vấn đề được quan tâm nữa là việc quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ BHYT. Dự thảo Luật quy định 90% quỹ BHYT cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT; 5% để lập quỹ dự phòng quốc gia; 3% dành cho bộ máy quản lý bảo hiểm y tế các cấp; 2% dành cho phát triển mạng lưới bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Về quản lý quỹ, dự thảo Luật quy định quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, do có sự khác nhau về tỷ lệ tham gia BHYT và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh giữa các tỉnh nên cho phép các tỉnh thành có kết dư quỹ BHYT được sử dụng một phần để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT; đồng thời gắn trách nhiệm của chính quyền tỉnh, thành nếu để quỹ BHYT bị bội chi. Đến năm 2020, khi tỷ lệ tham gia BHYT đã ở mức cao, chất lượng dịch vụ y tế tương đối đồng đều, không còn sự khác biệt nhiều về kết dư hay bội chi quỹ BHYT giữa các tỉnh, khi đó sẽ quy định theo hướng quỹ BHYT được quản lý tập trung hoàn toàn.
Trường hợp quỹ BHYT kết dư sẽ dành 50% để tại quỹ BHXH trung ương, 50% chuyển cho tỉnh, thành sử dụng để hỗ trợ nâng cao quyền lợi người tham gia BHYT, mua phương tiện vận chuyển người bệnh, dành tối đa là 30% phần kết dư địa phương để sử dụng để mua trang thiết bị y tế, đào tạo, khen thưởng.
Trường hợp quỹ BHYT bội chi, các tỉnh có trách nhiệm sử dụng nguồn ngân sách địa phương để bổ sung 30% số quỹ BHYT bị bội chi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên quản lý chặt quỹ BHYT, chỉ tập trung phục vụ cho khám chữa bệnh, không nên để phân tán. Bên cạnh đó, cần có chính sách rõ ràng đầu tư cho đồng bào khó khăn bằng NSNN, không nên sử dụng 50% kết dư để đầu tư vào thiết bị, cơ sở, thậm chí cho cả mục đích tuyên truyền khen thưởng như vậy không hợp lý, không đúng mục tiêu. Hơn nữa quỹ BHYT có nguồn ngân sách khá lớn, nếu chi không hết phải chuyển về trung ương.
“Cứ có tiền thừa là phải chi cho bằng hết, tư tưởng đó không thể chấp nhận được”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Đây là phiên họp TVQH đầu tiên của năm 2014, năm được xác định là rất quan trọng sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết phiên họp thứ 24 diễn ra trong 3 ngày với khối lượng công việc lớn. UBTVQH sẽ cho ý kiến về 7 dự án luật, bao gồm dự án Luật tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Luật Hải quan, Luật Phá sản, Luật sửa đổi Luật giao thông đường thuỷ nội địa, Luật Hôn nhân gia đình, Luật nhập cảnh, xuất cảnh. Ngoài ra, UBTVQH cũng cho ý kiến về phương án phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016, thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 của các cơ quan của Quốc hội. |