Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia về nước chưa có hộ tịch, hộ khẩu, gặp khó khăn về đời sống.
Về hỗ trợ đời sống, vận dụng cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/2/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, Quyết định nêu rõ, hỗ trợ 405 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 8.989 người dân với mức hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ mua lều bạt làm nơi ở tạm cho 1.599 hộ dân với mức 3 triệu đồng/hộ (hỗ trợ một lần), với tổng kinh phí hỗ trợ là 4,797 tỷ đồng.
Về y tế, sẽ hỗ trợ thuốc khử trùng, phòng dịch cho 1.599 hộ dân với mức 50.000 đồng/hộ/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng, với tổng kinh phí hỗ trợ là 240 triệu đồng.
Đồng thời, hỗ trợ thuốc chữa bệnh thông thường cho 9.063 người với mức 50.000 đồng/người/tháng, tương đương mức Nhà nước hỗ trợ về y tế cho người nghèo (4,5% x 1.150.000 đồng/người/tháng), thời gian hỗ trợ 3 tháng, với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,359 tỷ đồng.
Ngoài ra, căn cứ số lượng đối tượng và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ tiền ăn Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 phù hợp với mức hỗ trợ cho người nghèo trên địa bàn.
Quyết định cũng nêu rõ mức hỗ trợ cụ thể cho các tỉnh như sau: Về lương thực, hỗ trợ 3.491 nhân khẩu tỉnh An Giang với 157 tấn gạo; 2.970 nhân khẩu tỉnh Tây Ninh với 134 tấn gạo; 1.433 nhân khẩu tỉnh Long An với 64 tấn gạo; 304 nhân khẩu tỉnh Kiên Giang với 14 tấn gạo; 24 nhân khẩu tỉnh Đắk Nông với 1 tấn gạo; 767 nhân khẩu tỉnh Bình Phước với 35 tấn gạo.
Về kinh phí, hỗ trợ 798 hộ tỉnh An Giang 3,037 tỷ đồng; 180 hộ tỉnh Tây Ninh 1,013 tỷ đồng; 322 hộ tỉnh Long An 1,229 tỷ đồng; 96 hộ tỉnh Kiên Giang 348 triệu đồng; 8 hộ tỉnh Đắk Nông 29 triệu đồng; 22 hộ tỉnh Đồng Tháp 80 triệu đồng; 173 hộ tỉnh Bình Phước 660 triệu đồng./.