Lễ sao cho có văn hóa
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có gần 15 nghìn ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích cả nước. Đi lễ chùa đã trở thành việc thiêng liêng và không thể thiếu của phần đông người Việt.
Tuy nhiên, gần đây, những sự việc không hay, ngang tai trái mắt cứ diễn đi diễn lại nhiều năm nơi cửa Phật, khiến dư luận quan ngại như: Đánh bạc, ăn nhậu say xỉn, lừa đảo, trộm cắp, bán hàng ép giá, tranh khách, bói toán, lên đồng… Nơi cần sự tôn nghiêm, văn hóa thì vẫn còn nhiều cảnh thiếu văn hóa. Người người thi nhau sờ đầu, sờ tượng lấy may, nên nhiều bức tượng La Hán dọc hai bên tả hữu lối vào chùa chính tại Bái Đính (Ninh Bình) bị phai, mòn nhiều chỗ.
Cũng như thế, gần như đi chùa nào cũng thấy, người người tranh nhau đặt tiền lẻ ở khắp nơi: Trên ban thờ, trên mái chùa, dưới giếng,… thậm chí trên tay, trên vai tượng Phật. Đây là việc hành xử thiếu tôn trọng với đồng tiền quốc gia. Còn với các vị Phật, Thánh thì đó cũng là hành vi... rất thiếu văn hóa.
Câu chuyện “văn hóa tiền lẻ” được cư dân mạng quan tâm đến nỗi, chưa đầy 0,3 giây tìm kiếm đã cho thấy… 11.600.000 kết quả!
Hơn thế, chưa bao giờ chuyện đổi tiền lẻ lại “đánh động” tới tận cấp bộ, ngành như năm nay. Ngân hàng Nhà nước đã quyết định không in thêm tiền lẻ để đổi cho nhu cầu đi lễ, đồng thời đề nghị các cơ quan: Công an, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng phối hợp thực hiện. Các nhà chùa cũng khuyến cáo không nên đặt tiền lẻ khi đi lễ chùa, mà nên phát tâm bằng cách ghi công đức.
Mùa đi lễ năm nay và những năm sắp tới, không biết rồi quyết định trên có đỡ đi được bao nào trong số 1.200 bao tiền lẻ của chùa Hương gánh xuống núi gửi ngân hàng giữ hộ như trước đây hay không?
Đi lễ, cốt lấy yên bình
 |
Dòng suối Yến thanh bình trong trẻo dẫn vào chùa Hương, mỗi mùa lễ hội phải bất đắc dĩ 'đón nhận' tới 10 tấn rác. Ảnh: DL |
Có người đã nhận xét khi đi lễ hội vào cuối mùa: “Cảnh tượng tan hoang như… sau bão”. Nào cây cỏ bị dẫm đạp, bứt cành, bẻ lá. Nào đồ ăn, thức uống ôi thiu, xả rác, phóng uế bừa bãi… Phóng viên viết bài này từng chứng kiến, những người đi lễ vừa xé thịt gà ăn, vừa vứt xương, đầu, chân gà xuống suối Yến chùa Hương. Chỉ riêng tại con suối này, mỗi mùa lễ hội phải bố trí 4 chiếc đò chuyên vớt rác, số “chiến lợi phẩm” thu gom được lên tới 10 tấn, và đã phải xây một nhà máy xử lý rác riêng trong khu vực chùa. Kiểu sinh hoạt bừa bãi nơi tôn nghiêm như vậy, khiến cho địa phương tốn không ít công, của để “thu dọn chiến trường”.
Chưa có sự thống kê, mỗi mùa lễ bao nhiêu người, xe đi lại, hết bao nhiêu thời gian, tiền của… Chỉ biết rằng, đã có nhiều “chuyến xe bão táp” nhớ đời cho bao người. Có người nói, rằng đi lễ không quản ngại vất vả thì Trời, Phật mới chứng cho, rằng đi nhiều thì lộc nhiều. Lộc rơi, lộc vãi đâu chưa biết, nhưng vất vả do chính mình tạo ra cho mình, liệu có nên chăng? Hay là thay vì chen chúc, du đẩy nhau toát mồ hôi trên đường vào Yên Tử, Chùa Hương, hãy thư thả tìm một dịp khác để vãn cảnh nơi thiền tự, chiêm nghiệm, ngưỡng vọng công ơn Tổ tiên đã xây dựng nên đền chùa miếu mạo, hồn cốt của non sông nước Việt này.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương đã xuất thần viết nên tác phẩm: “Trên đỉnh Phù Vân” sau một lần làm người lữ khách cô đơn tới nơi này, mới thấy hết được cái “mênh mang, vời vợi” của đất trời, của “chốn huyền không” linh thiêng... chứ đồ rằng không phải ông viết ra bài ca sau một lần “đấu vật” toát mồ hôi trên con đường lên Yên Tử./.
Liên quan đến việc tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2014, ông Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, trưởng ban tổ chức lễ hội) cho biết với lượng khách trung bình trong mùa lễ hội lên tới 3 vạn người/ngày, rất nhiều người sau khi du xuân cũng có nhu cầu ăn uống. Do vậy, việc cho rằng các hàng quán treo thịt sống là phản cảm, nhưng không cho treo thì địa phương cũng rất khó thực hiện triệt để. “Chúng tôi sẽ đảm bảo không có biển hàng quán nào ghi là bán động vật hoang dã, sẽ nói rõ là nhím nuôi, hươu nuôi, đà điểu nuôi...”. |