Đó là ý kiến của GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh các vấn đề về Thông tư 16/2010/TT-BXD đang "nóng" dư luận trong thời gian qua.
Ông Đặng Hùng Võ cho biết thêm rằng, "dù là Bộ nào đi chăng nữa, nhưng thông tư ra đời khi đã có hàng chục nghìn hợp đồng tồn tại, thì chỉ có cách là thừa nhận cả hai, bởi tính pháp lý nó nằm ở hợp đồng".
* Thưa ông, với quan điểm cá nhân, ông đánh giá như thế nào về tính pháp lý của Thông tư 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng đang được dư luận đặc biệt quan tâm suốt thời gian qua?
|
|
 |
Theo tôi, thời điểm trước và sau Thông tư 03 ra đời là hai câu chuyện khác nhau. Trước đây, Thông tư 16 ra đời khi đã có hàng triệu hợp đồng thì buộc ta phải chấp nhận. Còn bây giờ, khi sự việc ồn ã lên (thiệt hại quyền lợi của người mua) thì hướng dẫn bằng một cách là hợp lý, một cách tiếp cận tốt
|
 |
|
GS Đặng Hùng Võ
|
|
|
- Trong Luật Nhà ở và Nghị định số 71/2010/NĐ-CP không có quy định cụ thể về cách tính diện tích sàn trong hợp đồng mua, bán căn hộ nhà chung cư mà chỉ có quy định về "phần sở hữu chung và phần sở hữu riêng" trong nhà chung cư.
Còn trong Thông tư 16, Bộ Xây dựng có hướng dẫn hai cách tính diện tích (cách tính diện tích tim tường và cách tính diện tích thông thủy) để tính tiền cho căn hộ. Như vậy, trong Nghị định 71 là quy định về quyền chứ không liên quan đến cách tính toán diện tích.
Thực tế, Thông tư 16 ra đời khi đã có hàng chục nghìn các hợp đồng giữa người mua và chủ đầu tư được thực hiện với một trong hai cách là tính diện tích theo tim tường, hoặc theo thông thủy.
Nên nếu lúc đó Bộ Xây dựng hướng dẫn theo cách này hay cách khác thì sẽ đều vướng vào thực tế và đây cũng chỉ là hướng dẫn chứ không phải quy định.
Theo tôi, dù là bộ nào đi chăng nữa, nhưng thông tư ra đời khi đã có hàng chục nghìn hợp đồng tồn tại thì chỉ có cách là thừa nhận cả hai, bởi tính pháp lý lại nằm ở hợp đồng mua bán. Do đó, hợp đồng giữa chủ đầu tư và người mua đã ký với nhau thế nào thì cứ thế thực hiện, vì pháp luật cũng không quy định đơn giá hay đơn vị tính diện tích thế nào là đúng, thế nào là sai và quyền là do hợp đồng quy định.
* Việc ra đời thông tư 03, liệu có phải là Bộ Xây dựng đã nhận sai không, thưa ông?
- Vì hai cách tính quá ồn ã nên Thông tư 03 (Thông tư 03/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành mẫu hợp đồng sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật và hợp đồng quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung) ra đời là để điều chỉnh và tính theo duy nhất một cách.
Theo tôi, thời điểm trước và sau Thông tư 03 ra đời là hai câu chuyện khác nhau. Trước đây, Thông tư 16 ra đời khi đã có hàng triệu hợp đồng thì buộc ta phải chấp nhận. Còn bây giờ, khi sự việc ồn ã lên (thiệt hại quyền lợi của người mua) thì hướng dẫn bằng một cách là hợp lý, một cách tiếp cận tốt.
* Vấn đề nằm ở chỗ, người dân mua nhà đã phải chịu thiệt thòi nên có ý kiến cho rằng, họ cần được pháp luật và Nhà nước bảo vệ. Quan điểm của ông thế nào về ý kiến này? Và chúng ta nên làm gì để người dân bớt thiệt?
- Việc đưa ra pháp luật là không thể, bởi tôi cho rằng, Thông tư 16 là hướng dẫn chứ không phải quy định. Còn đối với những hợp đồng đã ký, trường hợp gây thiệt hại bất hợp pháp cho người dân thì các cơ quan chức năng cần bảo vệ họ đến cùng. Bởi nếu trường hợp, "hợp đồng ký một đàng, thực hiện một nẻo", các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương phải có cách thức để giải quyết thấu đáo, nhằm lấy lại quyền lợi cho người dân.
Còn các trường hợp, hợp đồng ký kết đã có quy định rõ về cách tính diện tích, chúng ta cũng phải giải thích rõ cho người dân hiểu. Hoặc phải tìm ra một cơ chế tốt nhất để người dân bớt thua thiệt.
* Xin cảm ơn ông!