Thị trường tiềm năng nhưng nhiều rủi ro
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XK nhóm hàng nông sản, thủy sản năm 2013 đạt 19,8 tỷ USD, trong đó riêng XK sang Trung Quốc (TQ) đạt 4,14 tỷ USD. Với kim ngạch như trên, nhóm nông, thủy sản đã chiếm tỷ trọng 31,2% trong tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc và chiếm tỷ trọng 20,9% trong tổng kim ngạch XK nhóm hàng này của cả nước.
Nông sản XK mạnh sang TQ là rất đáng mừng vì tạo được đầu ra cho nông sản trong nước, kích thích nông dân phát triển sản xuất. Thế nhưng, hiện tượng thương nhân TQ thu mua nông sản Việt Nam bất thường trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi lo ngại. Đó là TQ mua cả những thứ như đỉa, ốc bươu vàng, rễ cây hồ tiêu, lá khoai lang…. với giá rất cao, số lượng không giới hạn nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.
Và gần đây nhất, dư luận đang xôn xao tình hình ùn ứ dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh. Thực tế cũng đã không ít những lần xe chuối, dưa dấu, thanh long… xếp hàng dài hàng km, ứ đọng ở cửa khẩu, do phía TQ ép giá, cấm biên và một phần do chúng ta sản xuất bán ồ ạt.
Lý giải nguyên nhân này, theo các chuyên gia kinh tế, XK nông sản qua TQ chủ yếu bằng đường biên mậu, trong khi chính sách thương mại biên mậu của TQ thường xuyên thay đổi, khi hôm nay mở cửa khẩu này, ngày mai đóng lối mở kia hết sức thất thường. Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo, thiếu thận trọng trong hợp tác làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam với thương nhân TQ cũng dễ phát sinh rủi ro lớn.

|
Hàng trăm xe tải chở dưa hấu XK sang Trung Quốc bị ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh Ảnh: ST |
Chủ động xúc tiến thương mại
Các chuyên gia kinh tế nhận định, để tránh thế bị động trong việc kiểm soát hàng hóa xuất tiểu ngạch sang TQ, việc nghiên cứu diễn biến cung – cầu của thị trường TQ là hết sức cần thiết.
Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho rằng, lâu nay nông sản Việt Nam XK sang thị trường TQ chủ yếu dựa vào buôn bán tiểu ngạch ở vùng ven biên giới. Muốn XK bền vững phải chuyển sang thương mại chính quy, đồng thời thâm nhập sâu vào nội địa, vùng tây nam, phía bắc và đông bắc TQ - nơi họ đang rất khó khăn về nông sản, thực phẩm.
Đặc biệt, chúng ta phải nghiên cứu cặn kẽ thị trường TQ xem họ cần những loại nông sản nào, khối lượng bao nhiêu, vào những thời điểm nào… để chỉ đạo sản xuất và XK chủ động, chứ không nên để lâm vào tình thế bị động như hiện nay.
Chẳng hạn như để tránh tình trạng đến mùa dưa hấu lại ùn tắc tại Lạng Sơn, hàng năm, các địa phương trồng dưa hấu và đặc biệt tỉnh Lạng Sơn cùng các bộ, ngành: Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phải họp bàn giải pháp trước khi mùa vụ diễn ra. Đây là việc cần phải làm để khuyến cáo cho thương nhân, khi có hợp đồng mới được vận chuyển nông sản lên cửa khẩu.
Ngoài ra, hai bên phải thống nhất cung cách đóng gói như thế nào, kích thước, bao bì ra sao... Quan trọng hơn nữa là làm các trung tâm lưu trữ, đó là kho trung chuyển cho tất cả các loại nông sản để khi cần, thương lái có thể gửi và bảo quản sản phẩm ở đó.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt với ngành Công thương để rà soát kế hoạch sản xuất các ngành hàng. Bộ cũng đang cố gắng triển khai chủ trương tổ chức mô hình phối hợp giữa nông dân và doanh nghiệp, để hoạt động sản xuất nhỏ lẻ gắn với tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho sản xuất của nông dân.
Còn về phía ngành Công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết ngành đã đề ra một số giải pháp để tránh thế bị động khi XK nông sản sang TQ. Theo đó, Bộ Công thương sẽ rà soát lại khung pháp lý, đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý thị trường theo hướng tốt hơn, chặt chẽ hơn đối với hàng hóa nông sản. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tích cực tuyên truyền cho người dân nắm vững khung pháp luật để nhận biết các hành vi nói trên; phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương giải quyết những vấn đề tồn tại trong việc mua bán với TQ, trong đó vai trò của chính quyền địa phương - nơi diễn ra các hoạt động thu mua nông sản, là rất quan trọng.
Năm 2014, sẽ là năm bản lề có tính chất quan trọng trong việc đẩy mạnh mục tiêu tìm kiếm sâu hơn đối tác tại thị trường nội địa Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam tại Quảng Châu nhằm hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại thị trường các tỉnh Quảng Châu, Quảng Đông, Vân Nam.
|