Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ GTVT và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về việc chất lượng thiết kế cơ sở còn hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh, đồng thời chậm trễ trong việc giải phóng mặt bằng dẫn đến phải kéo dài thời gian thi công làm tăng tổng mức đầu tư và phải điều chỉnh dự án.
Ngoài ra, Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng các cơ quan liên quan làm việc với phía Trung Quốc để bổ sung nguồn vốn ODA của Trung Quốc cho phần vốn tăng thêm tại Dự án này - Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu.
Được biết, trước đó, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD đã được khởi công vào tháng 10/2011, trong đó vay vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD.
Gói thầu chính là thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành). Dự kiến tuyến đường sẽ khai thác vào tháng 6/2015.
Trong quá trình triển khai, Dự án gặp nhiều khó khăn khách quan như vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cùng nhiều yếu tố chủ quan như sự phối hợp thực hiện chưa hiệu quả giữa các bên, kinh nghiệm của ban quản lý dự án và năng lực nhà thầu chưa đáp ứng nhu cầu làm dự án chậm trễ, dẫn đến đội vốn đầu tư.
Sau đó, Bộ GTVT đã kiến nghị cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó. Các khoản phát sinh lớn nhất tại dự án này là chi phí xây dựng, tăng 221 triệu USD, chi phí thiết bị tăng 20 triệu USD, chi phí giải phóng mặt bằng tăng 25 triệu USD...