Người đã từng chứng kiến giây phút thất thủ của Tổng thống Dương Văn Minh và nội các tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, đồng thời cũng là người đã áp tải Tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập sang đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng. Ông là Trung tướng Phạm Xuân Thệ, người từng giữ chức Tư lệnh Quân khu 1.
May mắn vì trận đánh nào cũng được tham gia
Khi chúng tôi đến, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đang tưới những giò phong lan treo trước sân nhà. Ông bảo, tôi vừa có chuyến đi dài ngày vào Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị - PV) để làm lễ cầu siêu cho anh linh những người lính đã ngã xuống trong Chiến dịch Đường 9, vừa về chiều hôm qua nên cũng hơi mệt. Rồi như đoán được ý định của chúng tôi, ông mời khách vào nhà và bắt đầu ngay câu chuyện.
“Đời binh nghiệp của tôi đã có nhiều báo chí viết. Tôi cũng phải nói thật là khi đi không ai nghĩ mình sẽ làm tướng. Những người lính như chúng tôi đã bước chân ra đi thì luôn luôn chấp nhận hy sinh. Nhưng tôi là người may mắn. May mắn thứ nhất là từ khi tôi nhập ngũ năm 1967 cho đến khi kết thúc chiến tranh, chiến dịch nào chúng tôi cũng tham gia và được chiến đấu 5-7 trận. May mắn thứ hai là sung trận như thế, hầu như chiến dịch nào cũng bị thương, nhưng chỉ bị thương phần mềm”.
|
Trung tướng Phạm Xuân Thệ chỉ vết thương trên cách tay trái. Ảnh: MN.
|
Ông chỉ cho chúng tôi những vết thương mà ông đã bị đạn bắn ở đỉnh đầu và cánh tay, như để minh chứng cho lời ông vừa nói. Rồi ông tiếp: “May mắn thứ 3, đó là được đồng chí, đồng đội, cấp trên giúp đỡ nên mình trưởng thành. Đến khi kết thúc chiến tranh, hòa bình trở lại mình vẫn còn sống”.
Tôi hỏi: Lý do nào khiến ông và đơn vị của ông có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975? Ông nói: “Sau khi chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc 29/3/1975, đầu tháng 4/1975 chúng tôi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lúc đó tôi là Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Sư đoàn 304, được tham gia đánh đêm 21, rạng sáng ngày 22/4 đánh tiêu diệt lực lượng địch ở thị xã Hàm Tân (Bình Thuận).
Ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng từ hướng Đông, bao gồm Quân đoàn 2, Sư đoàn 304 gồm Trung đoàn 24 và Trung đoàn 9 đảm nhiệm đánh căn cứ Nước Trong và Tổng kho Long Bình. Sư đoàn 3 và Sư đoàn 35 đánh vào Bà Rịa Vũng Tàu, vượt Cát Lái và sau đó đánh vào Nhà Bè. Còn Trung đoàn 66 chúng tôi là lực lượng dự bị, để nếu cần có thể yểm trợ.
Khi Quân đoàn 2 thành lập binh đoàn thọc sâu thì đơn vị của tôi được nằm trong binh đoàn thọc sâu đó, có nhiệm vụ đánh vào nội đô Sài Gòn khi đơn vị bạn đã “bóc vỏ” các cứ điểm ngoại vi Sài Gòn. Đây là lý do chúng tôi có mặt tại Dinh Độc Lập”.
Giờ phút lịch sử
Nhấp một hớp trà, tướng Thệ tiếp tục dòng hồi ức của mình: “Lúc vào được Dinh Độc Lập, suy nghĩ trong đầu là nhanh chóng cắm cờ báo hiệu giải phóng. Khi tôi đang chỉ đạo anh em cắm cờ thì không ngờ chính quyền nội các của Dương Văn Minh đang ở trong đó. Phụ tá của Dương Văn Minh là Nguyễn Hữu Hạnh nói: Báo cáo cấp chỉ huy là toàn bộ chính quyền của ông Minh đang trong phòng họp, mời cấp trên vào làm việc. Khi tôi vào đến cửa thì thấy Dương Văn Minh và Vũ Văn Mậu (Thủ tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa - PV), Dương Văn Minh nói: Chúng tôi đã biết quân giải phóng đang tiến quân vào nội đô, đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao”.
 |
Đại úy Phạm Xuân Thệ (bìa phải) cùng đồng đội bắt Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng. Ảnh chụp tư liệu.
|
“Với bản lĩnh của người lính, khi bắt được người cao nhất thì phải đánh cho đến cùng chứ sao lại nhận bàn giao? Ngay lúc đó, tôi nói: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chứ không bàn giao gì cả”. Và ngay khi đó tôi nảy ra ý định bắt Dương Văn Minh ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Do nắm được cùng thời điểm, tiểu đoàn 8 đã đánh chiếm được đài phát thanh, nên tôi quyết định dẫn giải ra đài phát thanh”.
“Mặc dù nói như vậy, nhưng lúc đó tôi cũng không biết đài phát thanh ở đâu. Chuyên ở rừng núi, bây giờ vào thành phố ngợp như thế nên không biết phải đi hướng nào, thì chính Dương Văn Minh đã chỉ đường cho chúng tôi đi. Khi đến đài phát thanh, tôi nghĩ cần phải thảo ra bản tuyên bố đầu hàng, chứ không thể để Dương Văn Minh muốn nói gì thì nói. Khi tôi đang thảo thì Trung tá Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2 bước vào và chúng tôi cùng hoàn thiện bản thảo tuyên bố đầu hàng đó”, ông Thệ nhớ lại.
Trăn trở của vị tướng già
Sau khi nghe ông kể về những giây phút lịch sử hào hùng của 39 năm về trước, tôi hỏi ông: Sau hơn 40 năm đứng trong quân ngũ, từ một người lính, rồi trở thành chỉ huy và được phong tướng, bây giờ đã nghỉ hưu, ông còn băn khoăn hay trăn trở điều gì không? Ông Thệ bỗng trùng xuống, mắt ngân ngấn lệ:
“Tôi thường nói với các đồng chí, đồng đội rằng, nếu tôi còn sống ngày nào, tôi sẽ giành phần lớn thời gian còn lại để đi tìm những đồng đội đã mất. Từ năm 2009 đến nay, năm nào tôi cũng có mấy lần vào chiến trường Quảng Trị, Quảng Nam, những chiến trường tôi tham gia chiến đấu từ năm 1968 đến khi giải phóng. Điều đau xót nhất của tôi sau mỗi chuyến đi ấy, đó là tại các nghĩa trang, ít nhất là 2/3, hoặc có nghĩa trang có đến 1/2 số mộ chỉ có 3 chữ: chưa biết tên”.
Bên cạnh việc tìm kiếm hài cốt của các chiến sĩ đã hy sinh, với vai trò là Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, ông Thệ cùng các đồng chí trong ban liên lạc đang kêu gọi sự hảo tâm của các mạnh thường quân để xây dựng tượng đài tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh trong chiến dịch Thượng Đức (Đại Lộc - Quảng Nam, năm 1974).
Với những người còn sống, ông cùng Ban liên lạc kêu gọi sự giúp đỡ về vật chất, với tinh thần lá lành đùm lá rách, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều. Ngoài hoạt động đó, thành viên ban liên lạc còn có trách nhiệm cung cấp thông tin của những đồng đội mình, xem trong trận đấu ấy có đồng chí nào bị thương, đồng chí nào hy sinh, chôn cất ở đâu, còn nhớ thì cung cấp để ban liên lạc đi tìm.
“Tôi mong rằng, Đảng, Nhà nước hãy quan tâm hơn nữa đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Xem xét công nhận chế độ chính sách cho những người đã từng tham gia chiến đấu, nhưng vì lý do nào đó mà bị mất giấy tờ. Để họ bớt đi sự thiệt thòi, mất mát sau chiến tranh”, ông Thệ nói./.