Theo Bộ GTVT, trọng tâm, trọng điểm của ngành GTVT là tập trung giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các Dự án mở rộng Quốc lộ (QL) 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ, Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, cùng với đó là đôn đốc các nhà thầu để sớm hoàn thành Dự án cao tốc dài nhất Việt Nam – Nội Bài – Lào Cai, hoàn thành Dự án Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Những công trình được xem là đột phá xây dựng hạ tầng giao thông. Để giao thông luôn là “mạch máu” của nền kinh tế như lời dạy của Bác Hồ kính yêu…
Từ mở rộng Quốc lộ 1, 14 với tầm nhìn xa, trông rộng
Đúng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nguồn vốn đầu tư bị thu hẹp, ngành GTVT lại thực thi nhiệm vụ hoàn thành ‘siêu dự án’ mở rộng, nâng cấp tuyến Ql 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ với chiều dài 1.353 km. ‘Siêu dự án’ này được xác định là một trong những nhiệm vụ chủ chốt và cấp bách, mục tiêu lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ bản của ngành GTVT trong 2 năm 2014, 2015.
Đây cũng được coi là nhiệm vụ cực kỳ nặng nề vì trong quá khứ, để hoàn thành việc đại tu tuyến huyết mạch xuyên Việt từ Lạng Sơn tới Cà Mau với quy mô 2 làn xe, ngành GTVT khi đó phải mất tới 15 năm (1993 - 2008) trong điều kiện không khó khăn về vốn như bây giờ.
Đồng thời, việc hoàn thành “Siêu dự án” trên cũng được xem là dấu ấn quan trọng nhất của nhiệm kỳ 2011 - 2015, bởi đây là công trình hạ tầng giao thông duy nhất được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ấn định trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015.
Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đầu tiên đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh do Cienco 4 thi công đã về đích vượt tiến độ 9 tháng.
Thêm vào đó, việc hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 1 không chỉ khơi thông điểm nghẽn hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn giúp xóa đi vô số điểm đen về tai nạn giao thông trên tuyến đường huyết mạch quốc gia.
Theo Bộ GTVT, tính tổng cộng, vốn ngoài ngân sách đầu tư cho 2 dự án trọng điểm là Quốc lộ 1 và quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chiếm tới 43% tổng mức đầu tư. Được biết, mắt xích quan trọng nhất trong gói cơ chế kêu gọi vốn đầu tư vào 2 tuyến quốc lộ trên chính là việc Bộ GTVT thuyết phục được Chính phủ cho phép áp dụng mức thu phí cao gấp 3,5 lần mức thu phí đường bộ cơ bản và kéo được các tổ chức tín dụng lớn cùng vào cuộc. Đây cũng được xem là thành công nữa để gỡ bỏ những lối mòn tư duy cũ trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư giao thông, đề xuất cơ chế mới theo hướng Win - Win: cả xã hội và nhà đầu tư cùng thắng. Vì nguy cơ tăng chi phí vận tải, đội giá thành sản xuất khiến việc thuyết phục các bộ, ngành liên quan cùng cộng đồng doanh nghiệp chấp nhận mức phí hợp lý để có đường chất lượng tốt hơn không phải là điều đơn giản.
Hiện tại, dù đã tháo gỡ được những khó khăn về vốn, nhưng ngành GTVT vẫn phải đối diện nhiều thách thức như giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu, thời tiết… Nhưng Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đầu tiên đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh do Cienco 4 thi công đã về đích vượt tiến độ 9 tháng vào tháng 1/2014, là tín hiệu tích cực đầu tiên, mở ra cơ hội lớn để cơ bản hoàn thành “Siêu Dự án” nói trên.
Đến làm đường cao tốc, những chuyện chỉ có ở Việt Nam
Bên cạnh ‘siêu dự án’ trên thì những dự án cũng không kém phần quan trọng khác như: Mở rộng nâng cấp QL 14, Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng tốn nhiều tâm huyết của lãnh đạo Bộ GTVT. Chắc có lẽ cũng chỉ có ở Việt nam khi cứ ngày nghỉ cuối tuần là lãnh đạo Bộ GTVT lại đi kiểm tra, đôn đốc.
Về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương đã từng chia sẻ: “Phải đến tận từng dự án, thì mới tìm ra được những khúc mắc để trực tiếp tháo gỡ thì công việc mới trôi chảy, chất lượng đường mới tốt, tiết kiệm ngân sách cho duy tu, bảo dưỡng”.
Và cũng có thể nhận định rằng trong bối cảnh thực tế hiện nay, chỉ có sự sát sao, chỉ đạo tận nơi mới đem lại hiệu quả. Để tuyến đường cao tốc - Quốc lộ 3 mới kết nối Thủ đô Hà Nội với “Thủ đô gió ngàn” Thái Nguyên đưa vào khai thác sau nhiều trắc trở về giải phóng mặt bằng và nhiều yếu tố khác như thời tiết, năng lực nhà thầu….
Ở Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng vậy, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam Mai Tuấn Anh đã từng thốt lên rằng: “Nếu không có sự quan tâm, sâu sát, chỉ đạo kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc của lãnh đạo Bộ GTVT Đinh La Thăng thì chưa biết bao giờ con đường mới xong!”.
Vì trên thực tế, dường như tất cả những khó khăn nhất của một Dự án cao tốc đều có ở dự án có chiều dài lên đến 245km này. Riêng khối lượng phải giải phóng mặt bằng là cực kỳ lớn, ảnh hưởng đến hàng chục nghìn hộ dân lại phải thực hiện theo cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng ngoài tuân thủ quy định của Việt Nam còn phải đáp ứng chính sách của nhà tài trợ.
Thêm vào đó, các yếu tố khách quan như mưa nhiều hay có những thời điểm người dân nghe những đối tượng xấu cản trở thi công… Tuy nhiên ý chí, sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ GTVT trong việc hoàn thành tuyến đường đảm bảo chất lượng đã “áp đặt” đến từng cán bộ, kỹ sư, người lao động, nhà thầu. Tất cả đều răm rắp tuân theo sự chỉ đạo. Áp dụng nhiều sáng kiến để “Vượt nắng, thắng mưa”.
Các nhà thầu cũng tăng cường các thiết bị lu lèn để rút ngắn thời gian thi công. Chủ đầu tư và tư vấn cũng bắt buộc các đơn vị thi công cũng dùng máy rải để rải cấp phối đá dăm lớp trên nhằm đảm bảo độ bằng phẳng và tránh phân tầng vật liệu… Tất cả những cố gắng này nhằm đạt mục tiêu đến hết quý II/2014 sẽ thông toàn tuyến, hiện thực hóa niềm mong mỏi của người dân Tây Bắc để có thêm nhiều cơ hội, động lực mới, phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế của khu vực này.
Để kết thúc bài viết này, xin được phép dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Bộ GTVT: “Nhân dân cả nước cũng cảm nhận được tinh thần hành động quyết liệt và những chuyện biến rõ rệt của ngành GTVT tạo ra trong thời gian qua”. Vâng, những chuyển biến đó được bắt đầu bằng những cố gắng của toàn ngành GTVT, từ lãnh đạo cao nhất đến từng người công nhân trên công trường.
Theo Bộ GTVT, Chi phí bình quân cho 1 km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (bao gồm cả cầu, hầm, nút giao) là khoảng 10 triệu USD. Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình khoảng 8 triệu USD. Nội Bài - Lào Cai chỉ 6 triệu USD. TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là 15 triệu USD. Tại Trung Quốc, nơi được xem là có suất đầu tư các tuyến cao tốc thấp nhất thế giới thì cũng tương đương Việt Nam. Dự án đường ô tô cao tốc nối các tỉnh Thanh Hải - Lan Châu - Thiểm Tây có chi phí xây dựng bình quân cho 1km là 7,6 triệu USD. Tại Nhật Bản, đường cao tốc 2 làn xe Tomei (hoàn thành năm 2008) có suất đầu tư 39,6 triệu USD/km... Tại Mỹ, theo số liệu của tư vấn Wilbur Smith Asociates cung cấp, cao tốc có nền đường rộng 42,5m, rộng 22,6m có chi phí tới 22 triệu USD/km.
|