Trong mấy tuần vừa qua, trước hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhằm “bóp nghẹt” nền kinh tế Nga, cùng với đó là các hoạt động quân sự chưa từng có của Mỹ và NATO diễn ra sát với biên giới nước Nga… nhưng nước Nga vẫn thể hiện là một “đối tác” không dễ bị bắt nạt.
Một mặt nước Nga vẫn sự kiên định chính sách của mình về vấn đề Ukraine, không lung lay và bị động trước các sức ép cả về kinh tế và quân sự. Mặt khác, Nga tăng cường mở rộng các đối tác về liên minh kinh tế khắp các châu lục, thậm chí là cả những quốc gia thuộc thành viên châu Âu như Italia, Áo, Thụy Sĩ…
Mới đây, sau sự kiện Mỹ công bố gói trừng phạt thứ ba chống lại Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái này của Mỹ. Theo ông, những biện pháp này trên thực tế là trái phép, không phù hợp với cách hành xử văn minh giữa các quốc gia và đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng Ngoại giao Ryabkov cũng tuyên bố rằng, Nga sẽ trả đũa bằng một loạt biện pháp "gây đau đớn" đối với Washington.
Trên mặt trận kinh tế, Nga cũng đã có sự chuẩn bị khá bài bản và chủ động. Trong đó, cùng với việc xây dựng hệ thống thanh toán riêng, thực thi các giải pháp hạn chế sự thoái lui của các nguồn vốn đầu tư quốc tế… Nga cũng đã phát huy tối đa thế mạnh của các lĩnh vực kinh tế của mình trên trường quốc tế, đó là việc cung cấp sản phẩm khí đốt, năng lượng…
Cụ thể, hôm qua (29/4), Hội nghị cấp nguyên thủ của Hội đồng kinh tế Âu - Á cao cấp họp tại thủ đô Minsk của Belarus, Tổng thống ba nước Nga, Kazakhstan và Belarus đã nhóm họp để bàn triển khai ký kết thỏa thuận liên minh về kinh tế Âu-Á.
Phát biểu với báo giới sau các cuộc gặp, Tổng thống Putin đánh giá các bên đã đạt được bước tiến rất lớn, tạo cơ sở để đảm bảo ký kết đúng hạn Thỏa thuận liên minh kinh tế Âu-Á. Ông Putin tin tưởng rằng Thỏa thuận về Liên minh kinh tế Âu-Á sẽ được ký kết đúng hạn vào ngày 29/5 tới đây, nhằm đưa dự án tham vọng này đi vào hoạt động trong không gian của Liên minh Hải quan từ ngày 1/1/2015.
Ông khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ mới đây không ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập trong không gian Liên minh Hải quan, tiến tới thành lập và đưa vào hoạt động thị trường dầu mỏ, khí đốt chung chậm nhất vào năm 2025.
Liên minh kinh tế Âu-Á gồm 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan được kỳ vọng sẽ ra mắt vào năm 2015, vì hiện các bên đã đạt được sự đồng thuận ở cấp chuyên gia đối với phần lớn các điều khoản trong hiệp định thành lập liên minh kinh tế mới ở không gian hậu Xô Viết này, gồm quy chế pháp lý quốc tế, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Liên minh kinh tế mới, cũng như những nguyên tắc cơ bản của quá trình hội nhập Âu-Á.
Các nước trung thành với nguyên tắc hợp tác dựa trên cơ sở bình đẳng, công bằng và cùng có lợi, hướng đến phát triển toàn diện, củng cố khả năng cạnh tranh của nền kinh tế các nước thành viên và nâng cao mức sống của người dân.
Cũng trong ngày 29/4, Tập đoàn năng lượng độc quyền Gazprom của Nga đã ký với công ty OMV của Áo một biên bản ghi nhớ về xây dựng phần đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên có tên gọi ''Dòng chảy phương Nam'', đi qua Áo để cung cấp cho châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào nước trung chuyển là Ukraine.
Các cuộc đàm phán nối lại hợp tác giữa Nga và Áo được khởi động lại từ năm 2010, nhưng cho đến nay ''Dòng chảy phương Nam'' vẫn dừng lại tại Italy. Theo biên bản ghi nhớ trên, đoạn đường ống chạy trên đất liền đi qua Áo dài 50km dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2017.
Cùng ngày, Gazprom cũng ký kết thỏa thuận xây dựng nhánh thứ hai chạy trên biển của ''Dòng chảy phương Nam'' với công ty Allseas Group của Thụy Sĩ. Dự kiến 900km đường ống xuyên Biển Đen do Thụy Sĩ xây dựng sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016.
Gazprom hiện đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến đường ống ''Dòng chảy phương Nam'' đi qua Biển Đen sang các nước Trung và Nam Âu để đa dạng hóa tuyến cung cấp ''nhiên liệu xanh'' sang châu Âu, giảm sự phụ thuộc vào các nước trung chuyển, đặc biệt là Ukraine trong bối cảnh nước này đang bất ổn chính trị.
Gazprom cho biết đang dần chuyển sang thực hiện nguyên tắc định giá theo thị trường trong xuất khẩu khí đốt sang các nước thuộc Liên Xô cũ, cũng như trong dịch vụ vận chuyển khí đốt, đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp như ''Dòng chảy phương Bắc'' và ''Dòng chảy phương Nam,'' mở rộng hệ thống hầm ngầm dự trữ khí đốt ở nước ngoài và phát triển thương mại khí hóa lỏng…
Hiện tại, Nga đang thể hiện không hề nao núng trước các sức ép từ Mỹ và NATO. Thậm chí, trong cuộc trả lời báo chí sau hội nghị tại thủ đô Minsk của Belarus ngày hôm qua, ông Putin thể hiện thái độ “không chấp” với thái độ thù địch của phương Tây và cho biết đã từ chối đề xuất của Chính phủ Nga về tung ra các biện pháp trả đũa đối với phương Tây.
Ông Putin cho rằng, đưa ra các giải pháp trả đũa là không cần thiết trong lúc này. Nhưng Tổng thống Putin cho biết, Nga có thể xem xét lại sự tham gia của phương Tây vào các dự án năng lượng của mình…
Cho dù vậy, những biện pháp trừng phạt của Mỹ và khối các nước NATO đã và đang là mối họa hiện hữu, đè nặng lên nền kinh tế - xã hội của Liên bang Nga.
Tuy nhiên, với những bước đi chủ động để ứng phó, nước Nga đã làm bộc lộ mặt trái của việc Mỹ và đồng minh đang làm hiện nay. Đó là đã tạo ra cơ hội đặc biệt để nước Nga thể một cách rõ nét vị thế của mình trên trường quốc tế, cũng như giúp Nga thắt chặt thêm sự đoàn kết từ các nước đồng minh thân cận của mình./.