Thu nhập người dân nông thôn tăng 1,8 lần
Ngày 16/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cho biết, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất để triển khai Nghị quyết Tam nông. Chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước. Đặc biệt, đã huy động được nguồn lực đầu tư vô cùng mạnh mẽ, trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, còn nhiều khó khăn thì đây là thành công lớn.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm 2011-2013, chương trình xây dựng NTM đã huy động được 485.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước các cấp bố trí 161.938 tỷ đồng, chiếm 33,4%; vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 50.048 tỷ đồng (10,3%), gồm ngân sách Trung ương 5.469,16 tỷ đồng (1,1%) và ngân sách địa phương 44.579,15 tỷ đồng (9,2%); vốn lồng ghép 111.889,7 tỷ đồng (23,1%); vốn tín dụng 231.378,1 tỷ đồng, chiếm 47,7%. Các doanh nghiệp hỗ trợ 29.900,91 tỷ đồng, chiếm 6%; người dân đóng góp 62.841,07 tỷ đồng, chiếm 13%.
Ngoài ra, vốn cho xây dựng NTM đã được tăng cường khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 195/QĐ-TTg phân bổ nguồn vốn trái phiếu cho năm 2014 - 2016 là 15.000 tỷ đồng, trong đó bố trí cho năm 2014 là 4.765 tỷ đồng. Các địa phương đang tích cực phân bổ nguồn vốn này qua các kênh để sớm triển khai thực hiện ngay.
 |
Các công trình xây dựng gio thông đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ảnh: TL
|
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương, một trong những thành công nổi bật của chương trình chính là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, với 11,6% số xã đạt tiêu chí giao thông; 31,7% số xã đạt tiêu chí thủy lợi; 67,2% số xã đạt tiêu chí về điện, 30,2% số xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn…
Đã có trên 9.000 mô hình chuyển đổi hình thức sản xuất từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa theo lợi thế địa phương gắn với thị trường đã được thực hiện.
Các hoạt động này đã góp phần tăng thu nhập của cư dân nông thôn năm 2013 gấp 1,8 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn đến hết năm 2013 là 12,6%, giảm bình quân 2%/năm so với năm 2008. Đến nay đã có 30,1% số xã đạt tiêu chí thu nhập.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, mức đạt các tiêu chí NTM đã tăng lên rõ rệt, từ bình quân 4,7 tiêu chí/xã năm 2011, nay đã đạt bình quân 8,47 tiêu chí/xã. Đặc biệt là cả nước đã có 185 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 2,05%; số xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí là 622 xã, chiếm 6,9%.
Còn nhiều nơi “trắng” tiêu chí nông thôn mới
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Chương trình cũng đánh giá tiến độ triển khai còn chậm so với mục tiêu đặt ra (đến nay mới có khoảng 2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới), phong trào không đồng đều. Chậm nhất và khó khăn nhất là ở các địa phương vùng miền núi Tây Bắc, vùng bãi ngang là nơi còn “trắng” tiêu chí nông thôn mới.
Trong thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, mới chỉ tập trung cao cho xây dựng cơ sở hạ tầng, các nội dung về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường… chưa được quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng mức nên chậm có chuyển biến rõ nét.
Hiện cũng chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các địa phương có điểm xuất phát thấp và điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Bên cạnh đó chủ yếu tập trung cao thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cấp xã, lập quy hoạch, đề án, xây dựng công trình hạ tầng công cộng. Thiếu sự quan tâm, chỉ đạo và cơ chế thực hiện các nhiệm vụ của cấp cộng đồng và cấp bộ.
Mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới tới năm 2015 có 20% số xã và tới năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chí nông thôn mới; các xã chưa đạt chuẩn phải tăng từ 2 đến 3 tiêu chí/năm.
Đến năm 2015 phấn đấu có huyện đạt nông thôn mới; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng của dân cư nông thôn.
|