Nóng đến… bỏng rộp tay
Đó là hậu quả do làm việc ngoài trời, dưới cái nắng nóng hầm hập hơn 40 độ C của những người thợ xây dựng khi làm sắt. Dù đã dùng găng tay bảo hộ, anh H. - công nhân làm việc trên một công trường xây dựng ở đường Phạm Văn Đồng cho biết - 2 bàn tay anh vẫn phồng rộp vì phải kéo và cắt những cuộn sắt đã bị nung nóng rẫy.
Chính vì làm việc ngoài trời vào những giờ nắng gay gắt rất dễ xảy ra tai nạn và ảnh hưởng sức khỏe của công nhân, nhiều công trường xây dựng đã điều chỉnh thời gian làm việc phù hợp hơn để tránh lúc trời nắng nóng nhất: Sáng làm sớm hơn 1 giờ và tăng thời gian nghỉ trưa để chiều bắt đầu giờ làm muộn hơn 1 giờ.
 |
Ra đường lúc nắng nóng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và sự an toàn. Ảnh: TL
|
Đợt nắng nóng kéo dài tại Hà Nội đã gây không ít hệ lụy. Một trong những khó khăn của người đi đường đó là bị choáng váng bởi cái nắng quá gay gắt. Người điều khiển xe rất dễ bị loạng choạng, lạc tay lái, lóa mắt, khó quan sát đường.
Khi đi trong trời nắng, một nỗi lo sợ nữa của chủ phương tiện đó là xe bị nổ lốp bất ngờ, rất dễ gây tai nạn cho người điều khiển xe và người đi đường.
Gần đây, nhiều hộ dân sống tại các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông và Hoàng Mai khổ sở vì mất nước sạch kéo dài. Nhiều gia đình phải mua từng khối nước sạch với giá đắt gấp hàng chục lần giá cấp nước theo đồng hồ và phải dùng hết sức tiết kiệm, dẫn tới nguy cơ không đảm bảo nhu cầu vệ sinh, rất dễ phát sinh bệnh tật, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng đã ghi nhận số bệnh nhi vào khoa khám bệnh cao gấp 4-6 lần so với thời điểm hai tuần trước, trong đó có tới một nửa mắc các bệnh lý hô hấp và tiêu chảy. Viện Tim mạch quốc gia cũng cho biết, số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh liên quan đến tim mạch tăng cao, nhất là bệnh nhân cao huyết áp.
Lời khuyên cho những ngày nóng
Theo khuyến cáo của các bác sỹ, trong tiết trời nắng nóng, nhiều người ưa sử dụng đồ uống có kèm đá, rất dễ bị viêm họng và thậm chí mắc các bệnh đường ruột nếu dùng đá không sạch. Ngồi trong phòng điều hòa để nhiệt độ thấp, khi ra ngoài nhiệt độ chênh lệch quá cao dễ dẫn đến mắc các bệnh về hô hấp. Thời tiết nắng nóng khiến nhịp tim tăng, huyết áp cũng tăng theo và nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dễ dẫn đến các biến chứng về tim, mạch máu; đặc biệt là chứng đột quỵ ở người già.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đưa ra những lời khuyên cho người tham gia giao thông. Theo đó, để tránh nắng nóng, cần trang bị đầy đủ mũ bảo hiểm, áo chống nắng, khẩu trang, kính mát, chai nước nhỏ…Các vật dụng này giúp chống say nắng, giảm căng thẳng, mệt mỏi, lóa mắt, tránh bị mất nước khi lái xe.
Thêm một lưu ý khi ra ngoài đường là để tránh nắng, bạn nên che kín vùng sau gáy. Lựa chọn kiểu áo, khẩu trang chống nắng cho phù hợp để không bị hạn chế tầm nhìn khi lái xe.
Trời nắng gắt, nhiều người điều khiển xe máy chạy song song với xe tải để “núp” bóng, tránh nắng. Điều này vô cùng nguy hiểm vì xe tải vận hành trong điều kiện nhiệt độ cao rất dễ bị nổ lốp. Khi đó, xe tải mất lái sẽ gây tai nạn cho những xe máy chạy quá gần, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Nhằm hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến lốp trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, nên dành thời gian kiểm tra lốp thường xuyên, đặc biệt trước những chuyến đi dài để kịp thời phát hiện những nguyên nhân không an toàn tiềm ẩn trên lốp xe (lốp mòn, lốp quá căng, áp suất lốp giữa các bánh không đều), để có biện pháp thay thế phù hợp.
Cần đội nón mũ rộng vành khi đi ngoài nắng. Điều hòa chỉ nên để nhiệt độ ở khoảng 26 - 28oC. Uống nước thường xuyên để tránh mất nước. Các loại nước uống tốt vừa giải nhiệt vừa bù muối là nước trái cây, nước canh, nước rau, dung dịch oresol. Những người cao tuổi, sức yếu, có bệnh tim mạch, đã từng bị đột qụy thì không ra ngoài nắng sau 10 giờ sáng, không làm việc hoặc hoạt động gắng sức khi cơ thể mệt mỏi, đói và khát ở ngoài trời nắng.
|