Cần có đánh giá sát thực tiễn hơn
Thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế- xã hội, ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013, những tháng đầu năm 2014 và phương hướng, giải pháp cho thời gian tới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, báo cáo đánh giá về kết quả kinh tế- xã hội (KTXH) năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 của Chính phủ còn hơi lạc quan, nền kinh tế đã có chuyển biến, nhưng sự chuyển biến đó vẫn còn chậm, tồn tại nhiều bất cập cần tập trung giải quyết.
Tại đoàn TP. Hồ Chí Minh, ĐB Võ Thị Dung cho rằng, Báo cáo đánh giá về kết quả kinh tế- xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 của Chính phủ sâu, cụ thể, nhưng còn lạc quan về tình hình KTXH. Báo cáo khẳng định xu hướng phục hồi, đấy là trên con số.
“Tôi đề nghị đánh giá toàn diện hơn đối chiếu giữa con số và thực tiễn đời sống của người dân để phản ánh tình hình KTXH. Vấn đề đời sống của người dân còn nhiều bức xúc chưa được giải quyết, nhất là công ăn việc làm, sản xuất của DN rất khó khăn, phục hồi chưa rõ nét, thu nhập cùa người dân còn thấp. Nhiều chính sách an sinh xã hội còn dàn trải chưa giải quyết căn cơ vấn đề cho người dân. Như chính sách di dời người dân ở khu vực sạt lở, có những công trình đầu tư hàng tỷ đồng nhưng người dân không vào ở được”, bà Dung nói.
Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến: "Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá sát thực tiễn, chứ không phải nêu ra hài lòng với nhau, vỗ về sự yên tâm mà thực chất không đúng thế".
Lấy dẫn chứng cho những tồn tại hiện nay, bà Tâm cho biết, vấn đề người nông dân chúng ta nói nhiều về tầm nhìn, chiến lược nhưng rất xa lạ với người nông dân. Các định hướng về sản xuất chỉ mang tính tuyên truyền mà không có biện pháp cụ thể. "Tại sao đến nay vẫn để người nông dân làm mùa vụ một cách tự phát? Trung Quốc mua rễ tiêu, móng bò, móng trâu… phá hoại sản xuất không thấy bộ ngành chức năng lên tiếng. Không ai từ chức về vấn đề này, vì sao vậy?" – Bà Tâm bức xúc.
Nói về các chỉ tiêu trong báo cáo, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM) cho rằng, tình hình thật sự kinh tế Việt Nam đã chạm đáy từ qúy II/ 2013. Từ đó tới nay là giai đoạn phục hồi, nhưng sự phục hồi quá yếu ớt, cho đến nay nền kinh tế vẫn trong giai đoạn trì trệ, ốm không ra ốm, khỏe không ra khỏe. Chúng ta hy vọng 2014 thì thoát được giai đoạn trì trệ nhưng với tình hình biển Đông hiện nay nếu không có giải pháp đặc biệt thì không thể thoát khỏi sự trì trệ này được.
“Cái quan trọng là làm sao tận dụng ổn định vĩ mô để thoát ra giai đoạn trì trệ. Ổn định vĩ mô mà không thoát trì trệ thì không đạt được hiệu quả”, ông Lịch nhấn mạnh.
 |
Cần dành nguồn lực giải quyết bài toán về nông nghiệp một cách tổng thể. Ảnh: TL
|
Gắn kinh tế với quốc phòng
Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta, các đại biểu Quốc hội thống nhất những tháng cuối năm cần có những biện pháp phù hợp với tình hình hiện nay. Kinh tế phải đặt trong bối cảnh động, ưu tiên ổn định vĩ mô nhưng gắn kinh tế với quốc phòng.
ĐB Võ Thị Dung cho rằng, trong tình hình hiện nay cần tăng cường đoàn kết của nhân dân. Do đó tăng cường giải quyết khiếu kiện tố cáo, xem xét giải quyết thấu tình đạt lí các khiếu nại của người dân, nhất là những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống... Động viên toàn đảng toàn dân tăng năng suất lao động, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí để có nguồn lực phục vụ cho đất nước.
Về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, ĐB Trần Thị Quyết Tâm đề nghị cần thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ Nhà nước hiểu rõ tiền ngân sách là tiền thuế do mỗi người dân chắt chiu đóng góp, để còn biết quý trọng, tiết kiệm. Bởi đã có tình trạng cán bộ công chức có câu cửa miệng “tiền ngân sách không tiêu thì phí”.
Theo ĐB Trần Du Lịch, trước đây chúng ta thường nói kinh tế Việt Nam có 3 động cơ phát triển chủ yếu là DNNN, tư nhân trong nước và nông nghiệp. Nhưng thực tế trong ba năm qua chúng ta chỉ kì vọng vào khối FDI. Sự kiện Biển Đông vừa rồi làm động cơ này giảm. Giải pháp 2014 làm sao tập trung không chỉ phục hồi ba động cơ kia mà còn đừng để động cơ FDI sụt giảm.
Bên cạnh đó, ông Lịch cũng cho rằng, Nhà nước phải có chính sách giúp đỡ doanh nghiệp phát triển về nguồn nguyên liệu để các DN nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc về nguồn nguyên liệu vật tư từ Trung Quốc, tiến tới gia nhập TTP.
Ngoài ra, ông đề nghị dành nguồn lực giải quyết bài toán về nông nghiệp một cách tổng thể căn cơ. Đối với ngư nghiệp cần tập trung đóng tàu cho ngư dân. “Bây giờ các cơ sở của Vinashin không có việc làm, tại sao không huy động vào để đóng các tàu sắt loại 400-500 mã lực, hình thành những đội tàu. Nhà nước đứng ra làm rồi cho ngư dân thuê lại với giá ưu đãi, đây là cơ hội để giải quyết bài toán về ngư nghiệp và an ninh biển".
Trước những khó khăn, bất ổn hiện nay, nhiều đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị, Chính phủ cần dự báo được ảnh hưởng của vấn đề biển Đông đối với nền kinh tế trong nước và có các giải pháp chủ động với mọi tình huống./.