Sáng nay 26/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trước quốc hội.
Bên lề phiên họp, PV Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ĐB Trần Du Lịch (Đoàn TP. HCM) xung quanh nội dung dự Luật này.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những thay đổi trong Dự thảo Luật DN (sửa đổi) trình QH kỳ này?
ĐB Trần Du Lịch: Tôi cho rằng dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này tạo cơ hội để DN phát triển và thực hiện quyền của người dân trong kinh doanh mà hiến pháp đã khẳng định là kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Tinh thần soạn thảo chung là hướng tới cái đó, rất đúng đắn.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã xử lý những bất cập ở một số mô hình tổ chức quản trị DN ví dụ như thủ tục tăng giảm vốn hiện còn phức tạp trong công ty cổ phần, Công ty TNHH một thành viên.
Bước đột phá nữa là không phải kê khai ngành nghề khi đăng ký kinh doanh, trừ các ngành kinh doanh có điều kiện. Qua lấy ý kiến của các DN và cơ quan quản lý ở thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy việc kê khai ngành nghề bổ sung là việc không cần thiết.
Như vậy, có thể thấy, dự thảo Luật DN sửa đổi lần này đã thông thoáng hơn rất nhiều, nhất là về thủ tục đăng ký kinh doanh. Điều đó sẽ phần nào giúp DN giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường, huy động hơn nữa mọi nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
|
ĐB Trần Du Lịch trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: TL
|
PV: Nhưng đơn giản hoá thủ tục và điều kiện đăng ký kinh doanh liệu có kèm theo nguy cơ thêm nhiều DN “ma” lập ra với mục đích bất hợp pháp không thưa ông?
ĐB Trần Du Lịch: Chúng ta đừng lo sẽ có nhiều DN “ma” thành lập nếu tất cả thông tin DN được công khai, minh bạch. Bởi những DN nào lập ra để làm gì đó không minh bạch thì cơ quan quản lý có thể nắm được qua kiểm soát và cần công khai trên mạng để mọi người dễ dàng xác minh DN. Hiện nay, chúng ta chưa làm tốt cái này.
Thông thoáng thủ tục đăng ký kinh doanh kết hợp với minh bạch thông tin, tăng cường hậu kiểm thì không phải lo về sự tồn tại của DN “ma”.
PV: Còn điểm nào trong dự thảo Luật DN sửa đổi lần này mà ông vẫn còn băn khoăn?
ĐB Trần Du Lịch: Qua nhiều ý kiến góp ý và cá nhân tôi chưa đồng tình là quy định thêm một chương về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong dự thảo. Tôi cho rằng vấn đề quản lý DNNN chúng ta phải tiếp cận theo hướng nhà nước kinh doanh thì cũng như mọi chủ thể khác trên thị trường, theo hình thức mà luật DN quy định.
Vấn đề hiện nay cần phải hoàn thiện đó là mối quan hệ giữa chủ đầu tư là nhà nước và những người đại diện cho nhà nước thực hiện hoạt động kinh doanh, theo tôi thì quan hệ này nên điều chỉnh trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cũng đang được xem xét trong kỳ họp này.
Như vậy mới đồng bộ và không bị chồng chéo.Vì trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đã quy định Nhà nước đầu tư kinh doanh vào những lĩnh vực gì.
PV: Theo ông, khi Luật DN sửa đổi được thông qua,sẽ có tác động như thế nào đến môi trường kinh doanh?
ĐB Trần Du Lịch: Theo tôi Luật DN sửa đổi đã phá vỡ những rào cản không cần thiết, thông thoáng hơn thì sẽ phát huy quyền tự chủ trong kinh doanh, tận dụng được các nguồn lực trong dân cho phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, đây cũng là động lực mới để các DN sẵn sàng “bơi ra biển lớn” khi một loạt các hiệp định kinh tế, thương mại… được ký kết trong thời gian tới.
Hoàn thiện Duật doanh nghiệp lần này, cũng giúp chúng ta thay đổi tư duy quản lý nhà nước theo hướng tích cực hơn. Đó là, Nhà nước đưa ra luật chơi để mọi người cùng chơi trên một sân chơi, nhà nước làm trọng tài. Nhà nước không làm thay mà người dân phải tự tính toán, tự chịu trách nhiệm. Lâu nay nhiều lúc chúng ta “bao cấp” cả trách nhiệm cho xã hội, cho người dân, cho DN và có những can thiệp không cần thiết.
PV: Xin cảm ơn ông.