* Ông nhận định như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong 5 tháng vừa qua?
- Từ đầu năm 2014 đến nay, những vấn đề của kinh tế các năm trước và đặc biệt là của năm 2013 vẫn tồn tại. Có một điểm khả quan là lạm phát giảm còn khoảng 6%/năm. Tuy nhiên, nếu nhìn trên một khía cạnh khác thì có thể hiểu nguồn cầu vẫn suy giảm mạnh và các doanh nghiệp (DN) đang giảm hay giữ giá sản phẩm để đảm bảo doanh số. Ngược lại, chỉ có những DN có vị thế độc quyền trên thị trường mới dám tăng giá và tạo nên mức lạm phát 6%. Nếu quả như vậy thì ta đang đứng trước nguy cơ "giảm phát", hiện tượng mà các kinh tế gia rất e ngại vì nó đồng nghĩa với suy thoái kinh tế rất rõ.
Chính phủ đã nhận định được những khó khăn nói trên từ năm ngoái và đã đưa ra một số chính sách như tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu ngân hàng, sửa đổi một số quy chế và thủ tục hành chính cho hạn kỳ là cuối năm 2015. Những phương án trên là rất căn bản nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng nó chỉ có thể phát huy hiệu quả từ 1 hoặc 2 năm sau khi thực hiện. Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi nhận thấy những khó khăn vẫn còn tồn tại trong đầu năm nay.
* Theo ông, sự việc trên biển Đông sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam?
- Hệ quả từ biến cố biển Đông đã thấy được qua những vụ vi phạm pháp luật xảy ra hồi giữa tháng 5 vừa qua. Những tổn thất vật chất trong các vụ gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh, hay một số biến động trên thị trường chứng khoán, tiền tệ ... là minh chứng rõ nhất.
Như vậy, trong những tháng tới, Việt Nam đứng trước khúc ngoặt quan trọng của nền kinh tế. Nếu ta không chuẩn bị, trong tình thế trầm trọng hơn thì kinh tế nước ta sẽ khó khăn hơn. Do đó, phải cương quyết tìm cách qua khỏi những khó khăn này.
* Vậy theo ông, nên có những giải pháp như thế nào cho thời gian tới?
|
|
 |
Nói như Bác Hồ trong thời kỳ chống Mỹ, hạt gạo ta phải xẻ ra làm ba, một phần cho chiến sỹ biển đảo và bảo vệ biên cương; một phần để củng cố độc lập kinh tế quốc gia và một phần để tạo công ăn việc làm cho giới trẻ. |
 |
|
Chuyên gia Phạm Nam Kim
|
|
|
Chúng ta đã có kế hoạch, phương hướng phát triển kinh tế cho những năm tới. Khác với thời kỳ kinh tế kế hoạch, Đảng và Nhà nước đã có những linh hoạt thay đổi theo diễn biến của môi trường và tình hình trong nước và quốc tế. Vậy ta phải làm gì? Nói như Bác Hồ trong thời kỳ chống Mỹ, hạt gạo ta phải xẻ ra làm ba, một phần cho chiến sỹ biển đảo và bảo vệ biên cương; một phần để củng cố độc lập kinh tế quốc gia và một phần để tạo công ăn việc làm cho giới trẻ.
Về phần thứ nhất, không ai phủ nhận khi ta chứng tỏ được sức mạnh và khả năng bảo vệ biên cương thì tiếng nói của ta sẽ mạnh hơn trên mọi bàn hội nghị, cũng như trong mọi cuộc thương thuyết.
Thứ hai, để thoát khỏi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, cần loại bỏ sự phụ thuộc vào thị trường này trong xuất, nhập khẩu và các dự án quan trọng. Về xuất khẩu, cố gắng đa dạng hóa thị trường, nhất là về nông, thủy sản, hỗ trợ nông dân kiếm thị trường mới, hỗ trợ sản xuất những mặt hàng phù hợp với các thị trường. Về nhập khẩu, hướng tới sự đa dạng hóa xuất xứ nguyên vật liệu và nếu cần thay đổi hẳn chiến lược kinh doanh dựa trên chất lượng nhiều hơn trên giá cả. Chính sách này cũng giúp ta hưởng trọn vẹn những quyền lợi trong Hiệp định TPP. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào “người Việt dùng hàng Việt”, hỗ trợ hàng nội địa. Những cố gắng này cần có sự hỗ trợ của Chính phủ về tài chính và thuế. Tuy nhiên, sự hỗ trợ với xuất khẩu cần nằm trong phạm vi cho phép của những thỏa ước thương mại quốc tế.
Thứ ba, tạo công ăn việc làm đồng nghĩa với phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Trong tình hình kinh tế hiện nay, nếu giới trẻ không kiếm được việc làm sau bao nhiêu năm học tập, ta sẽ lãng phí cả một thế hệ. Cụ thể, các cơ quan nhà nước và DNNN nên có chính sách ưu đãi tuyển dụng nhân lực trẻ. Chính phủ cũng nên khuyến khích DN tư nhân mở rộng cửa cho nhân viên trẻ bằng hỗ trợ tài chính, bảo hiểm xã hội, thuế,...
* Để thực hiện hóa những vấn đề trên, phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?
- Tất cả những vấn đề đặt ra ở trên chỉ có thể thành hóa giải nếu ta giải quyết được bế tắc hiện nay trên thị trường tài chính ngân hàng.
Bế tắc thứ nhất là sự tồn đọng của nợ xấu ngân hàng. Ngay trong những tháng sắp tới cần đổ tiền "thật", xóa nợ xấu, khai thông mạch máu tiền tệ thì hệ thống ngân hàng mới có thể tăng tín dụng, tài trợ cho những dự án nêu trên.
Bế tắc thứ hai là sự thiếu nguồn cung trên thị trường vốn. Để giải tỏa bế tắc này, cố gắng kêu gọi vốn nước ngoài trên blog mà Thủ tướng Chính phủ vừa thực hiện là một điều đáng phục. Chúng ta cần đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, xóa bỏ ngay lập tức những phiền toái hành chính và cân nhắc nâng trước hạn mức sở hữu cổ phần, bởi không sớm thì muộn những hạn mức này sẽ phải hủy bỏ theo hiệp ước trong khuôn khổ WTO, TPP. Hơn thế nữa, Chính phủ và các phái đoàn DN cần vốn phải đích thân đi đến các trung tâm tài chính thế giới ''chào hàng'' với giới đầu tư.
Bế tắc thứ ba là việc lên sàn chứng khoán của 429 DNNN từ nay đến sang năm. Với nguồn vốn đang bị thu hẹp, cổ phần hóa DNNN sẽ khó thành công và nếu có một số nhỏ DNNN thu hút được vốn thì cũng bất lợi cho những dự án cần thiết hơn. Nói như vậy, không có nghĩa là phải từ bỏ dự án cổ phần hóa, mà chỉ điều chỉnh thời hạn phù hợp để chuẩn bị kỹ lưỡng, phân tích kỹ đâu là những yếu kém, nếu cần thì phải thay đổi nhân sự, cải tổ cách quản lý, định ra những hiệu suất dựa trên thị trường. Như vậy, cổ phần hóa sẽ hiệu quả hơn và có thể sẽ hợp thời cơ hơn. Phải chăng mục tiêu tái cơ cấu DNNN là nâng cao hiệu suất của những DN này và cổ phần hóa chỉ là một phương cách, không nên nhầm lẫn giữa mục tiêu và phương cách.
* Xin cảm ơn ông!